Hàng không Việt khan hiếm phi công
Đề án đánh giá tác động của Vietnam Airlines gửi Cục Hàng không Việt Nam năm 2018 cho thấy, số lượng phi công đến 2018 của hãng là 1.100 người, dự báo sang 2019 là 1.293. Như vậy, trong một năm đơn vị này cần thêm 193 nhân sự là phi công.
Đề án cũng đưa ra dự báo đến 2020 nhu cầu phi công của hãng lên tới 1.340, tăng 240 phi công và đến 2025 sẽ cần đến 1.570 người. Đây là con số khá lớn trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới ngày càng khan hiếm phi công đủ tiêu chuẩn.
Cũng trong báo cáo này, hãng cho hay, đối với đội bay A350 hiện không có nguồn tuyển dụng, còn nguồn từ các đội bay khác dùng để huấn luyện đã cạn kiệt. Với đội bay A321, hãng chưa tuyển bổ sung được. Bởi lẽ, nguồn phi công nước ngoài hạn chế do nguồn lực này ưu tiên chọn các hãng hàng không châu Á khác.
Một phi công từng làm việc cho Vietnam Airlines tiết lộ, sau khi xin nghỉ việc đã được rất nhiều hãng mời về làm việc, thậm chí cả ở nước ngoài nhưng anh vẫn chưa thể nhận lời vì chưa thanh lý xong hợp đồng với hãng. Anh cũng cho biết, không chỉ anh mà nhiều phi công đang làm cho các hãng hàng không ở Việt Nam cũng liên tục được đề nghị mức lương cao hơn từ nhiều nhà tuyển dụng, chênh lệch nhau 15-25%.
Cũng chính vì khó khăn trong việc tuyển phi công nên Vietnam Airlines vẫn liên tục tuyển dụng học viên phi công cơ bản. Chia sẻ với VnExpress trước đó, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, nhu cầu phi công trên thị trường hàng không Việt nói riêng và thế giới nói chung ngày càng thiếu hụt nên để kế hoạch mở rộng mạng bay thời gian tới không bị chậm lại, công ty liên tục tuyển dụng đào tạo và thuê thêm phi công nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu dù phải trả mức chi phí cao.
Hàng không khan hiếm nhân sự phi công. |
Cũng cho biết khó khăn trong tuyển dụng khi đang mở rộng các mạng bay mới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á..., Jetstar Pacific và Vietjet Air khó có được đủ số lượng phi công theo nhu cầu. Hiện, lượng phi công tại các hãng này phần lớn là người nước ngoài do nguồn cung trong nước hạn chế. Điển hình như Jetstar Pacific, phi công nước ngoài chiếm tới 80%.
Là hãng hàng không mới "chen chân" vào thị trường, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) cũng liên tục đăng tuyển phi công với mức lương thỏa thuận hấp dẫn. Tuy nhiên đến lúc này hãng vẫn chưa đủ số lượng cho đội tàu bay mới. Hiện, trên website tuyển dụng của hãng vẫn đang tuyển cơ trưởng, cơ phó và nhiều vị trí khác.
Không chỉ các hãng hàng không trong nước gặp khó trong việc giữ chân và tuyển dụng phi công mà trên thế giới, nhiều hãng cũng lâm vào cảnh thiếu hụt trầm trọng.
Indigo - đơn vị chiếm hơn 40% thị phần bay nội địa Ấn Độ đã có đến 49 chuyến bay không thể cất cánh vào ngày 13/2 vừa qua do không đủ số lượng phi công đạt chuẩn. Theo Bloomberg, hãng cũng thông báo sẽ huỷ 30 chuyến bay mỗi ngày cho đến cuối tháng 2/2019. Việc hủy chuyến sẽ còn tiếp diễn đến tháng 3 bởi hãng đang điều chỉnh lịch bay của phi công.
China Airlines cũng gặp phải sự cố tương tự. Tổ bay của hãng hàng không Trung Quốc đã đình công và phàn nàn vì quá tải, khiến hàng nghìn hành khách rơi vào cảnh vạ vật tại các sân bay trong mùa cao điểm du lịch.
Không chỉ tại châu Á, Ấn Độ mà ở các nước châu Âu, châu Mỹ để tuyển dụng được phi công các hãng cũng trải qua một thời gian dài. Nhiều hãng còn phải thuê doanh nghiệp chuyên săn đầu người và cũng vì khan hiếm nên mức lương của nhiều phi công tăng gấp 3 lần chỉ sau 3 năm.
Theo báo cáo mới đây của Boeing, ngành hàng không thế giới sẽ cần tới 790.000 phi công mới vào năm 2037. Trong khi đó, tại Triển lãm hàng không Farnborough, Airbus ước tính nhu cầu ở mức 450.000 phi công vào 2035.
Trao đổi với VnExpress, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nhìn nhận, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới sự thiếu hụt phi công đang ngày càng đe dọa ngành hàng không. Nhiều nhân sự ở các hãng hàng không truyền thống đang dần chuyển dịch sang các hãng hàng không tư nhân có mức lương cao hơn và chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Thậm chí, nhiều phi công là những chuyên gia giỏi "bỏ" hãng và công việc đào tạo để chuyển hẳn sang lái cho các khách hàng "VIP" riêng với mức lương hấp dẫn.
Do đó, theo ông, các hãng hàng không cần áp dụng các biện pháp đối phó với tình trạng thiếu hụt phi công bằng cách đầu tư vào các cơ sở đào tạo và các chương trình tuyển dụng, cũng như trợ cấp chi phí đào tạo cho các học viên phi công.
Trên thế giới, nhiều hãng hàng không phải chi hàng trăm triệu USD để tăng lương và phúc lợi cho phi công, đồng thời các hãng hàng không Mỹ và châu Âu đang tìm cách thu hút lại những phi công bỏ việc để sang bay cho các hãng hàng không tại Trung Đông và châu Á.
Hãng hàng không Qantas Airways của Australia đầu tư 15 triệu USD trong năm 2018 cho học viện đào tạo phi công của mình, còn hãng hàng không Emirates Airline mở cửa trung tâm đào tạo có tổng vốn đầu tư lên đến 270 triệu USD vào năm 2017.