|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hàng chục nghìn tỉ đồng chảy vào TTCK Việt Nam qua mua cổ phiếu quĩ khủng từ doanh nghiệp của các đại gia khởi nghiệp từ Đông Âu

08:09 | 05/11/2019
Chia sẻ
Dòng tiền hàng chục nghìn tỉ đồng từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần được đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua việc mua cổ phiếu quĩ khủng của hàng loạt doanh nghiệp như Vietjet, HDBank, VPBank, Vincom Retail, Vinhomes.

Những ngày tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua những phiên giao dịch trồi sụt khi VN-Index gặp phải ngưỡng cản tâm lí 1.000 điểm. Điều đó tác động không nhỏ đến tâm lí của nhà đầu tư trên thị trường. 

Trong bối cảnh đó, động thái mua cổ phiếu quĩ của hàng loạt ông lớn trên thị trường như VPBank, Vinhomes, Vincom Retail đã phần nào cải thiện tâm lí đó. Một đặc điểm chung của các thương vụ chi hàng nghìn tỉ đồng mua cổ phiếu quĩ đợt này là câu chuyện gắn liền với các đại gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam từng khởi nghiệp tại Đông Âu.

Mở đầu phong trào, Hàng không Vietjet (Mã: VJC) hoàn tất mua lại 17,77 triệu cổ phiếu quĩ, giảm lượng cổ phiếu lưu hành xuống còn 523,84 triệu đơn vị vào cuối tháng 8. Trong thời gian đơn vị này mua cổ phiếu quĩ, mã VJC biến động trong vùng giá từ 130.000 - 132.000 đồng/cp. Như vậy, Vietjet Air chi khoảng 2.300 tỉ đồng cho thương vụ mua gần 17,8 triệu cổ phiếu quĩ này.

3

Nguồn vốn để Hàng không Vietjet mua cổ phiếu quĩ từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, hơn 9.964 tỉ đồng. Hàng không Vietjet được biết đến với việc gắn liền với tên tuổi của tỉ phú khởi nghiệp từ Đông Âu là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

Thông tin gần đây nhất, đơn vị khác liên quan đến bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank, Mã: HDB) thông tin về kế hoạch mua lại tối đa 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quĩ.

Với gần 981 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến HDBank sẽ mua vào tối đa khoảng 49 triệu cổ phiếu. Đóng cửa phiên 4/11, giá cổ phiếu HDB ở 29.500 đồng/cp. Như vậy, HDBank dự chi khoảng 1.400 tỉ đông cho đợt mua vào cổ phiếu quĩ này. 

Tại HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo giữ chức Phó Chủ tịch thường trực HĐQT. Về sở hữu cá nhân, bà Thảo đang sở hữu 3,67% vốn điều lệ của HDBank và 9,06% vốn tại Vietjet. Ngoài ra, tỉ phú Nguyễn Phương Thảo đang sở hữu cổ phần tại HDBank và Vietjet gián tiếp thông qua các tổ chức như Sovico, Đầu tư Hướng Dương Sunny.

1

Trước HDBank, nhà băng tư nhân khác là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) hoàn tất mua vào 50 triệu cổ phiếu quĩ trong thời gian từ ngày 2 - 23/10. Toàn bộ lượng cổ phiếu quĩ trên được mua theo hình thức khớp lệnh trên sàn với giá bình quân 22.194 đồng/cp. 

Với mức giá như vậy, VPBank chi ra hơn 1.100 tỉ đồng để thực hiện giao dịch.  Nguồn mua lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2018 (5.187 tỉ đồng).

Được biết, VPBank cũng gắn liền với tên tuổi của một đại gia khởi nghiệp từ Đông Âu là ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT. Trước khi trở về Việt Nam đầu tư, ông Dũng cũng có thời gian kinh doanh trong lĩnh vực mì ăn liền tại Nga.

Hiện, cá nhân ông Dũng đang sở hữu gần 122 triệu cổ phiếu VPB, tương đương giá trị khoảng 2.700 tỉ đồng. Ngoài ra, mẹ ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên và vợ của ông Dũng là bà Hoàng Anh Minh cũng đang sở hữu lần lượt 121 triệu cp và 120,7 triệu cổ phiếu VPB. Cùng với đó, con gái của ông Ngô Chí Dũng là bà Ngô Minh Phương cũng đang sở hữu 4 triệu cổ phiếu của VPBank.

2

Sau hàng loạt thương vụ mua cổ phiếu quĩ khủng của Vietjet Air, HDBank, VPBank, ngay đầu tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch hưng phấn sau thông tin hai công ty có liên quan đến tỉ phú Phạm Nhật Vượng đồng loạt thông tin mua vào khối lượng lớn cổ phiếu quĩ.

Cụ thể, Vinhomes (Mã: VHM) vừa thống nhất thông qua kế hoạch mua lại tối đa 60 triệu cổ phiếu quĩ, tương ứng 1,79% vốn điều lệ. Lí do thực hiện mua cổ phiếu quĩ đợt này là thị giá cổ phiếu VHM hiện đang ở mức thấp so với giá trị thực, nên việc mua lại cổ phiếu là nhằm bảo vệ quyền lợi của công ty và cổ đông.

Cùng với đó, Vincom Retail (Mã: VRE) cũng công bố quyết định mua lại tối đa 56,5 triệu cổ phiếu quĩ, tương đương 2,426% vốn điều lệ với lí do như trên.

Sau thông tin Vinhomes và Vincom Retail mua lại cổ phiếu quĩ với khối lượng khủng, hai mã VHM và VRE giao dịch tích cực và VHM tăng trần lên vùng đỉnh. Với mức giá tại thời điểm công bố mua cổ phiếu quĩ là VHM (91.300 đồng/cp) và VRE (33.700 đồng/cp), ước tính hai doanh nghiệp thuộc họ Vingroup chi hơn 7.400 tỉ đồng để thực hiện giao dịch.

Nguồn vốn mua sẽ được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán hoặc soát xét tại thời điểm gần nhất, tức là báo cáo bán niên 2019.

Tổng hợp những thương vụ mua cổ phiếu quĩ khủng của hàng loạt đại gia trên thị trường chứng khoán như Vietjet, HDBank, VPBank, Vincom Retail, Vinhomes cho thấy dòng tiền hàng chục nghìn tỉ đồng đã chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các giao dịch. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường, nhãn tiền nó đã giải tỏa tâm lí e ngại của nhà đầu tư trong những ngày đầu tháng 11 khi VN-Index bứt phá mốc 1.000 điểm và tăng hơn 20 điểm chỉ trong 2 phiên giao dịch.

Phan Quân

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.