|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hàng chục doanh nghiệp sắp trả cổ tức và phát hành thêm, cao nhất 50%

07:19 | 25/09/2022
Chia sẻ
Trong tuần từ 27/9 đến 3/10 trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 30 lượt doanh nghiệp giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt, bằng cổ phiếu, phát hành thêm hoặc chào bán cho cổ đông hiện hữu.

VPBank sắp phát hành cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên gấp rưỡi. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm:

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB) dự định phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 50% để tăng vốn điều lệ. Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) là 28/9. Nhà đầu tư sở hữu hai cổ phiếu VPB tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm một cổ phiếu mới.

VPBank hiện có khoảng 4,475 tỷ cổ phiếu đang niêm yết nên sẽ cần phát hành mới gần 2,238 tỷ đơn vị VPB để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông.

VPBank đang xếp thứ 6 toàn thị trường về số cổ phiếu niêm yết, sau Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), Ngân hàng BIDV (Mã: BID), VietinBank (Mã: CTG), Vietcombank (Mã: VCB), và Ngân hàng Quân Đội (Mã: MBB).

Dự kiến sau khi đợt phát hành kết thúc, số cổ phiếu VPB lưu hành là hơn 6,71 tỷ đơn vị, dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau khi phát hành tăng vốn theo tỷ lệ 50%, VPBank sẽ có hơn 6,71 tỷ cổ phiếu lưu hành, dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Trong nửa đầu năm nay, VPBank ghi nhận lãi sau thuế 12.241 tỷ đồng, tăng trưởng xấp xỉ 70% so với nửa đầu 2021.

Kết phiên gần đây nhất 23/9, giá cổ phiếu VPB dừng ở 28.750 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa gần 128.700 tỷ đồng (tức 5,4 tỷ USD).

Giá cổ phiếu VPBank hiện nay thấp hơn 20% so với cuối năm 2021.

Một nhà băng khác cũng sắp tăng vốn là Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank – Mã: HDB). Cụ thể, HDBank dự định trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Ngày GDKHQ là 27/9.

HDBank hiện có hơn 2 tỷ cổ phiếu đang niêm yết nên sẽ cần phát hành mới khoảng 503 triệu đơn vị HDB. Vốn điều lệ sau đợt trả cổ tức này dự kiến tăng lên thành 25.341 tỷ đồng.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT của HDBank, đồng thời là Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietjet.

Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC) dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%, tức là nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu VGC sẽ được nhận 1.000 đồng (chưa trừ thuế và phí).

Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 27/9 và 19/10. Viglacera hiện có 448,35 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi 448,35 tỷ đồng để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông.

Công ty mẹ của Viglacera là CTCP Hạ tầng Gelex đang nắm giữ hơn 225 triệu cổ phiếu VGC, tương đương 50,21% vốn điều lệ. Do vậy, Viglacera sẽ được nhận khoảng 225 tỷ đồng cổ tức. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Gelex (công ty mẹ của Hạ tầng Gelex) cũng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Viglacera.

Cổ đông lớn thứ 2 của Viglacera là Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu 38,58%.

Viglacera là một thành viên của Tập đoàn Gelex.

Trong nửa đầu năm 2022, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần 8.101 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.445 tỷ, tăng trưởng lần lượt 53% và 129% so với cùng kỳ 2021.

Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) sắp trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8%, tương ứng 800 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán là 27/9 và 28/10. Cổ đông lớn nhất của PVS hiện nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tỷ lệ sở hữu 51,38%.

CTCP Container Việt Nam (Mã: VSC) dự định trả cổ tức bằng tiền mặt 1.000 đồng/cp. Ngày GDKHQ là 28/9 và 18/10.

CTCP Đầu tư Xây dựng Dầu khí IDICO (Mã: ICN)CTCP Nông Súc Sản Đồng Nai (Mã: NSS) dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ tương ứng 45% và 49,3%. Ngày GDKHQ đều là 29/9.

Hàng chục doanh nghiệp sắp chốt quyền trả cổ tức tiền mặt.

Song Ngọc