|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàn Quốc áp thuế 513% với gạo vượt hạn ngạch: Doanh nghiệp Việt không quá lo lắng?

21:27 | 25/01/2021
Chia sẻ
Theo các doanh nghiệp việc Hàn Quốc áp thuế cao với gạo ngoài hạn ngạch sẽ khiến đối tác Hàn Quốc không ai dám mua chứ không phải doanh nghiệp xuất khẩu không dám bán.

Theo Bộ Công Thương, về cơ chế và quy trình đấu thầu đối với gạo nhập khẩu theo cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) từ thế giới nói chung, Hàn Quốc cam kết trong vòng 10 năm, kể từ năm 2020, hàng năm Hàn Quốc áp dụng mức thuế suất ưu đãi 5% cho khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn gạo nhập khẩu. 

Trong đó, Trung Quốc là 157.195 tấn, Mỹ 132.304 tấn, Việt Nam 55.112 tấn, Thái Lan 28.494 tấn và Australia 15.595 tấn. Khối lượng 20.000 tấn còn lại thực hiện theo nguyên tắc MFN.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc đã chính thức ra thông báo áp thuế đối với gạo nhập khẩu vượt hạn ngạch vào quốc gia này sau khi được WTO thông qua.

Cụ thể, với lượng gạo nằm ngoài hạn ngạch 408.700 tấn sẽ bị áp thuế 513% trong khi với gạo nhập khẩu nằm trong hạn ngạch sẽ được hưởng mức thuế 5%. Quy định này đưa ra nhằm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của các nhà cung cấp nước ngoài.

Chia sẻ với người viết, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Công nghệ cao Trung An, cho biết Việt Nam tham gia giao hàng theo hạn ngạch mà Hàn Quốc cấp cho Việt Nam là hơn 55.000 tấn, các doanh nghiệp vẫn có thể xuất khẩu vượt ngoài hạn ngạch cho phép này tuy nhiên sẽ không ai dám mua.

Ông Bình phân tích theo quy định của Hàn Quốc mỗi đại lý nước này chỉ được làm đại diện cho một nhà cung cấp nước ngoài, điều này có nghĩa là quy định áp thuế 513% đối với lượng gạo ngoài hạn ngạch thực tế là áp dụng đối với nhà nhập khẩu. 

"Người mua là người Hàn Quốc, người bán là Việt Nam. Khi người Hàn Quốc tự mua thì phải nộp thuế nhập khẩu hơn 500% như vậy khiến họ không cạnh tranh được với ATI (cơ quan được Chính phủ Hàn Quốc chỉ định nhập khẩu gạo) đã được Chính phủ chỉ định nhập khẩu theo hạn ngạch với thuế nhập khẩu ưu đãi", ông Bình chia sẻ.

Đồng thời nhấn mạnh việc Hàn Quốc áp thuế cao trên 500% sẽ khiến cho doanh nghiệp Hàn Quốc không ai dám mua chứ không phải doanh nghiệp xuất khẩu không dám bán. 

"Doanh nghiệp Việt Nam cứ ai mua gạo là bán ngay không cần biết có vượt hay không vượt. Vì theo quy định người bán không có nghĩa vụ phải tìm hiểu những vấn đề của người mua hàng", ông cho hay.

Trong khi đó, theo ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRice Group: "Việc chính phủ Hàn Quốc áp thuế cao như vậy đối với lượng gạo ngoài hạn ngạch sẽ là rào cản thương mại đối với các doanh nghiệp".

Bởi theo ông Có, Hàn Quốc vốn là thị trường khó tính với nhiều quy định nghiêm ngặt về chất lượng và thời hạn giao hàng. Sản phẩm gạo nhập khẩu phải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Mỹ và đạt yêu cầu về cảm quan như màu sắc, mùi vị, đồng đều về kích thước hạt...

Do đó, việc tiếp cận thị trường này thường khá hạn chế. "Gạo Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc là dòng gạo hạt ngắn và gạo Nhật (tức gạo Japonica là giống lúa hạt tròn), còn các loại gạo khác hầu như không xuất đi được nên bắt buộc phải chuyển sang thị trường khác", đại diện VRice Group chia sẻ.

Hàn Quốc áp thuế 513% với gạo vượt hạn ngạch: Doanh nghiệp Việt không quá lo lắng - Ảnh 1.

Hàn Quốc dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch xuất khẩu hàng năm là 55.112 tấn.

Mặc dù về giá bán cho Hàn Quốc có thể cao, nhưng với một số quy định đòi hỏi chất lượng gạo phải cao, đồng đều vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp và nay với việc áp thuế cao sẽ khiến các đối tác Hàn Quốc "ngại" gia tăng nhập khẩu gạo từ các nước.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2020, Việt nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo. Như vậy, con số hơn 55.000 tấn hạn ngạch xuất sang Hàn Quốc chiếm chưa đến 1% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. 

Do đó, mặc dù quy định áp thuế cao ngất ngưỡng của Hàn Quốc đã chính thức được áp dụng, có thể tác động nhất định đến việc nhập khẩu gạo của nước này đối với các thị trường trong đó có Việt Nam nhưng theo các doanh nghiệp đây là điều không quá lo lắng và quan ngại.

"Tuy nhiên chúng ta phải đặt quyền lợi người tiêu dùng lên hàng đầu và luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm", Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRice Group nhấn mạnh.

Bởi theo doanh nghiệp này Hàn Quốc cũng như Nhật Bản, châu Âu là thị trường khó tính, rất khắt khe về quy định an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, muốn phát triển ngành nông nghiệp, nhất là ngành lúa gạo thì các doanh nghiệp phải thâm nhập sâu rộng vào thị trường cao cấp như vậy.

"Trước là xuất khẩu, sau là cùng vì sức khỏe của chính người nông dân và người tiêu dùng Việt Nam. Khi sản xuất ra hạt gạo, cần phải đảm bảo an toàn để người dân trong nước sử dụng được, tạo nền tảng tốt để xuất khẩu", ông Có chia sẻ.

Như Huỳnh