|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai phương án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành

14:37 | 17/04/2024
Chia sẻ
Phương án một mở rộng 21 km cao tốc từ TP HCM đến sân bay Long Thành lên 8 làn xe; phương án hai chia theo đoạn, đoạn đầu 8 làn, đoạn sau 10 làn xe.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa báo cáo Thủ tướng hai phương án đầu tư mở rộng đoạn TP HCM - Long Thành dài 21 km thuộc dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Phương án một, đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được mở rộng lên 8 làn xe, nhưng giải phóng mặt bằng 10 làn xe (chờ khi đủ kinh phí sẽ mở rộng toàn bộ lên 10 làn). Hiện nay đoạn này đã được giải phóng mặt bằng 8 làn xe nên có thể thực hiện ngay.

Trên tuyến có hai cầu là Sông Tắc sẽ được mở rộng theo quy hoạch 10 làn xe, xây thêm cầu Long Thành 4 làn xe như cầu Long Thành hiện tại.

Phương án này sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông trên tuyến đến năm 2035, với lưu lượng khoảng 114.315 xe quy đổi mỗi ngày đêm và tận dụng mặt bằng hiện có để triển khai ngay.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - đơn vị quản lý tuyến, sẽ là chủ đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án hơn 14.330 tỷ đồng, bao gồm 4.630 tỷ vốn chủ sở hữu của VEC, vốn vay thương mại 9.700 tỷ đồng. Dự án sẽ thực hiện từ nay đến tháng 6/2028.

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây quy mô 4 làn xe đã mãn tải. (Ảnh: Phước Tuấn).

Phương án hai, đoạn cao tốc từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 dài 4 km sẽ được đầu tư theo 8 làn xe, đoạn còn lại đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 17 km quy mô 10 làn xe. Trên tuyến vẫn xây dựng cầu Long Thành mới và giải phóng mặt bằng toàn tuyến 10 làn xe.

Với phương án này, tổng mức đầu tư dự án hơn 15.620 tỷ đồng, gồm 9.000 tỷ vốn ngân sách nhà nước, vốn VEC huy động 6.620 tỷ, chiếm 42%.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ là cơ quan chủ quản, VEC là chủ đầu tư theo Luật Đầu tư công, thực hiện từ nay đến tháng 6/2028.

Do khó khăn về nguồn vốn ngân sách cũng như chi phí đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng xem xét phương án 1 bởi dự án đã được giải phóng mặt bằng 8 làn xe, có thể triển khai xây dựng ngay.

Để đảm bảo giao thông khi sân bay Long Thành khai thác vào năm 2026, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận thấy cần rút ngắn giai đoạn chuẩn bị đầu tư, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật từ 18 xuống 10 tháng để hoàn thành phần đường và các cầu cạn vào tháng 1/2027, hoàn thành dự án vào tháng 12/2027.

Về khả năng cân đối vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại, cơ quan quản lý cho biết VEC đang thực hiện quy trình tăng vốn điều lệ, dự kiến trong năm 2024 vốn điều lệ sẽ tăng từ 1.115 lên khoảng 25.000 tỷ đồng, đảm bảo điều kiện huy động vốn vay thương mại cho dự án.

Đoạn cao tốc TP HCM - Long Thành dài 21 km cần được mở rộng. (Đồ họa: Thanh Huyền).

8 năm trước, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km do VEC đầu tư được đưa vào khai thác với quy mô 4 làn xe. Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP HCM với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong đó, đoạn TP HCM - Long Thành sẽ là tuyến chính kết nối TP HCM với sân bay Long Thành.

Lưu lượng phương tiện liên tục tăng cao, trung bình khoảng 10% mỗi năm. Hiện tuyến cao tốc quy mô 4 làn xe đã quá tải, đoạn từ nút giao An Phú (TP HCM) đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai) có lưu lượng vượt 25% so với năng lực. Đặc biệt, đến năm 2026, sân bay Long Thành khai thác, dự án sẽ không thể đáp ứng khả năng thông hành.

Đoạn từ nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến nút giao cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có thể khai thác ổn định đến năm 2030, sau đó được mở rộng lên 8 làn xe theo quy hoạch.

Anh Duy

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.