Hai nửa sáng tối của doanh nghiệp kinh doanh ô tô trong năm 2020
Năm 2020 là một năm khó khăn với các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối ô tô tại Việt Nam. Hai đợt bùng phát dịch COVID-19 đã khiến nhiều showroom phải đóng cửa, hoạt động kinh doanh bị ngừng trệ và nhu cầu tiêu dùng yếu.
Điều này đã khiến các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, Mã: VEA) hay CTCP City Auto (Mã: CTF) rơi vào khủng hoảng với doanh số bán hàng giảm, doanh thu và lợi nhuận đều giảm mạnh so với các năm trước đó.
Bên cạnh đó, nhờ tận dụng được cơ chế chính sách và quản trị dòng tiền tốt, một số doanh nghiệp vẫn tìm thấy "cửa sáng" trong khó khăn như CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, Mã: HAX) và CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, Mã: SVC).
Ngành ô tô tìm ngọc trong đá
Đáng chú ý nhất trong nhóm ngành phân phối ô tô là Haxaco khi báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 cho thấy doanh thu 1.819 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế đạt 63 tỷ đồng, gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2020, Haxaco ghi nhận 5.570 tỷ đồng doanh thu, tăng 8% so với năm 2019 và 125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức tăng 2,5 lần. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Giải thích cho mức lợi nhuận đạt đỉnh lịch sử, lãnh đạo Haxaco cho biết doanh nghiệp đã tận dụng tối đa cơ hội khi Chính phủ ban hành nghị định về việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe lắp ráp trong nước. Do đó, cả 4 đại lý của Haxaco đều vượt chỉ tiêu doanh số bán hàng, nằm trong top đầu đại lý về doanh số bán xe Mercedes-Benz tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, các ngân hàng đã ưu đãi về lãi suất giúp công ty giảm mạnh chi phí lãi vay.
Tại thời điểm cuối năm, Haxaco có 1.232 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 25% so với con số đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho giảm 156 tỷ đồng về 564 tỷ đồng. Khoản phải thu từ khách hàng và phải thu ngắn hạn khác lần lượt xấp xỉ 102 tỷ đồng và 155 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 209 tỷ đồng và 183 tỷ đồng so với đầu năm.
Cuối kỳ, nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp cũng giảm 450 tỷ đồng xuống còn 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và không ghi nhận vay dài hạn.
Tương tự Haxaco, một ông lớn khác trong ngành là Savico đã có một quý IV/2020 kinh doanh thành công, khi đạt 5.975 tỷ đồng doanh thu và 133 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 15% và 87% so với kỳ năm trước. Đây là mức lãi cao trong quý cao nhất mà Savico đạt được kể từ khi thành lập đến nay.
Savico cho biết, sau 9 tháng đầu năm sụt giảm, thị trường ô tô trong quý IV/2020 tăng trưởng mạnh trở lại nhờ sự kiểm soát tình hình dịch bệnh và tác động tích cực của các chính sách của Nhà nước liên quan đến ngành ô tô.
Đồng thời, các nhà cung cấp ra mắt hàng loạt sản phẩm mới, các đơn vị ô tô áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, đồng thời nhu cầu mua sắm cuối năm tưng cao đã giúp Savico đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Savico, tổng quan trong cả năm 2020, thị trường ô tô vẫn giảm do cung vượt cầu và sự cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các đại lý. Việc thực hiện giãn cách xã hội vào tháng 4/2020 và hạn chế kinh doanh vào tháng 7/2020 đã làm cho doanh số, doanh thu và lợi nhuận của Savico gặp ảnh hưởng tiêu cực.
Do đó, luỹ kế năm 2020, doanh nghiệp đạt 16.129 tỷ đồng doanh thu và 224 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 11,7% và 3,8% so với năm 2019. Tuy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận giảm, song Savico vẫn ghi nhận doanh thu vượt 9% so với kế hoạch năm và hoàn thành gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm 2020.
Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của Savico đạt 4.275 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với thời điểm đầu năm. Các khoản tiền và tương đương tiền đạt 548,8 tỷ đồng tăng so với con số 328 tỷ đồng hồi đầu năm. Hàng tồn kho giảm mạnh hơn 45% về 722 tỷ đồng.
Cuối kỳ, tổng nợ phải trả của Savico giảm 17% xuống còn 2.534 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 1.389 tỷ đồng, chiếm 54,8% tổng nợ phải trả của doanh nghiệp.
Loay hoay với bài toán doanh số giảm, lợi nhuận giảm
Không giống như hai doanh nghiệp bên trên, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, Mã: VEA) lại cho thấy kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 vừa được công bố.
Theo đó, trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần gần 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ hơn 1.823 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 16% so với cùng thời điểm năm 2019.
Tính chung cả năm 2020, VEAM đạt hơn 3.670 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn 18% so với năm liền trước. Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp đạt 5.676 tỷ đồng, giảm hơn 1.600 tỷ đồng so với năm 2019. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất VEAM ghi nhận được trong 3 năm vừa qua.
Theo lý giải từ lãnh đạo công ty, phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết cả năm giảm hơn 2.000 tỷ, tương đương 28% đã khiến lợi nhuận sau thuế của VEAM giảm mạnh. Phần lợi nhuận nhận về từ các công ty liên doanh liên kết đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của VEAM qua các năm.
Hiện VEAM sở hữu 3 liên doanh lớn gồm 30% cổ phần tại Honda Việt Nam, 20% Toyota Việt Nam và 25% Ford Việt Nam.
Tại thời điểm cuối năm, VEAM ghi nhận còn 330 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, cùng với đó là các tiền gửi ngân hàng ngắn hạn có hơn 13.241 tỷ đồng. Tổng giá trị tiền và tiền gửi ngắn hạn là 13.571 tỷ đồng, giảm 3.270 tỷ so với đầu năm nhưng vẫn chiếm gần phân nửa tổng tài sản.
Lao đao nhất trong nhóm ngành kinh doanh xe tại Việt Nam trong năm qua có lẽ phải kể đến CTCP City Auto (Mã: CTF). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 vừa công bố, doanh nghiệp đạt 2020 tỷ đồng tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Song trong kỳ, thu từ hoạt động tài chính ghi âm 28 tỷ đồng, trong đó có 33 tỷ đồng hoàn nhập lãi từ chuyển nhượng cổ phần, các chi phí đều vẫn ở mức cao nên City Auto lỗ thuần 12 tỷ đồng. Nhờ hoạt động khác có lãi hơn 12 tỷ đồng nên City Auto có lãi 197 triệu đồng sau thuế trong khi cùng kỳ có lãi hơn 2 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2020, doanh nghiệp đạt 5.676 tỷ doanh thu, giảm 10,6% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 2 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi gần 44 tỷ đồng. Đây là số lợi nhuận thấp nhất công ty ghi nhận được kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Năm 2020, City Auto đặt mục tiêu doanh thu 6.400 tỷ đồng và 40 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, với thực tế kết quả đạt được, cuối năm 2020, doanh nghiệp đã thực hiện được 88,7% mục tiêu về doanh thu và hoàn thành 5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Dự báo về thị trường kinh doanh ô tô trong năm 2021, CTCP Chứng khoán SSI đã ra báo cáo về triển vọng ngành ô tô với nhận định: "Nhu cầu mạnh được thúc đẩy bởi giá xe giảm".
Theo SSI, thị trường ô tô năm 2021 sẽ tăng trưởng 16,3% so với năm 2020 về sản lượng tiêu thụ, kết quả này thậm chí cao hơn 3% nếu so với kịch bản nếu không xảy ra COVID-19.