|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hai năm tới, Đông Anh, Đan Phượng, Hà Đông sẽ là thủ phủ biệt thự, liền kề của Hà Nội

18:16 | 14/01/2020
Chia sẻ
Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, đến năm 2021, dự kiến có 10.900 căn biệt thự, liền kề tung ra thị trường Hà Nội, trong đó huyện Đông Anh và Đan Phượng chiếm 57% nguồn cung, tiếp theo là nguồn cung dồi dào đến từ quận Hà Đông.

Tại buổi họp báo công bố bao cáo thị trường bất động sản Hà Nội – tầm nhìn 2020 của Savills Việt Nam diễn ra sáng nay (14/1), bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, năm 2019 thị trường căn hộ sơ cấp tại Hà Nội có 37.700 căn mới mở bán, tăng 1% theo năm.

Cụ thể, quí IV chiếm 35% với hơn 13.300 căn mở bán từ 8 dự án mới và 14 giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện tại. Nguồn cung mới căn hộ được bung ra liên tục khiến nguồn cung sơ cấp năm 2019 tăng 12% theo năm, đạt tổng cộng 62.400 căn.

Tổng lượng giao dịch năm 2019 đạt 39.300 căn, tăng 26% theo năm, trong đó quí IV chiếm khoảng 27% với hơn 10.400 căn.

Hai năm tới, Đông Anh, Đan Phượng, Hà Đông sẽ là thủ phủ biệt thự, liền kề của Hà Nội - Ảnh 1.

Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Savills Hà Nội.

Năm 2019, tỉ lệ hấp thụ đạt 63%, tăng 7 điểm phần trăm theo năm cho thấy nguồn cầu lớn. Căn hộ hạng B tiếp tục đứng đầu, chiếm 73% tổng lượng giao dịch và đạt tỉ lệ hấp thụ 64%.

Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, đến năm 2022, ước tính thị trường Hà Nội sẽ có khoảng hơn 124.000 căn hộ từ 116 dự án mở bán, trong đó có 41.000 căn gia nhập thị trường ngay trong năm 2020.

Cũng theo báo cáo của Savills Việt Nam, tổng nguồn cung thị trường biệt thự và nhà liền kề tại Hà Nội trong năm 2019 đạt 49.800 căn, tăng 1% theo quí và 9% theo năm.

Trong năm qua, thị trường biệt thự, nhà liền kề Hà Nội có thêm 4 dự án mới, đóng góp khoảng 547 căn vào nguồn cung, chiếm 22% tổng nguồn cung mới trong năm 2019.

Nguồn cung sơ cấp năm 2019 giảm 28% theo năm song tỉ lệ hấp thụ đạt mức cao với 87%. Trong quí IV, nguồn cung sơ cấp đạt gần 1.300 căn, tăng 2% theo quí nhưng giảm 70% theo năm.

Trong năm 2019, huyện Gia Lâm dẫn đầu với 38% tổng lượng giao dịch, tiếp theo là quận Hà Đông với tỉ lệ lượng giao dịch thành công chiếm 17%.

Hai năm tới, Đông Anh, Đan Phượng, Hà Đông sẽ là thủ phủ biệt thự, liền kề của Hà Nội - Ảnh 2.

Hai năm tới, Đông Anh, Đan Phượng, Hà Đông sẽ là thủ phủ biệt thự, liền kề của Hà Nội. Ảnh minh họa: muabannhadat.

Theo dự báo của Savills Việt Nam, đến năm 2021, dự kiến có 10.900 căn biệt thự, liền kề tung ra thị trường Hà Nội. Huyện Đông Anh và Đan Phượng dự kiến chiếm 57% nguồn cung tương lai. Tiếp đó là nguồn cung dồi dào đến từ quận Hà Đông.

Từ các số liệu trên, bà Thu Hằng cho hay, năm 2019 tại thị trường một số huyện sắp lên quận tại Hà Nội, phân khúc biệt thự, liền kề là phân khúc sôi động nhất.

Về mặt bằng giá của phân khúc biệt thự, liền kề, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, giá thứ cấp tăng 6-7% so với năm 2018. Mức giá 300.000 USD/căn chiếm khoảng 60% thị trường.

Nhận định về việc các nhà đầu tư cá nhân và thứ cấp có nên đầu tư vào thị trường bất động sản tại các huyện sắp lên quận này hay không, bà Đỗ Thu Hằng cho hay, các huyện sẽ lên quận nhìn chung đều là các thị trường mới. Trong bối cảnh đô thị hoá, đây chính là các thị trường có dư địa để phát triển và để BĐS tăng giá, nhiều hơn là các thị trường đã ổn định.

"Tuy vậy, cần nhấn mạnh một lần nữa, để nhìn thấy rõ sự thay đổi của các huyện này trong quá trình đô thị hoá và thị trường BĐS phản ánh điều này lên giá đất là một lộ trình. Nhà đầu tư vì vậy nếu muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn cần hết sức cẩn trọng với các cơn sốt đất và rủi ro thanh khoản của khoản đầu tư của mình", bà Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, an toàn hơn là nên có tầm nhìn từ trung đến dài hạn, nhưng cũng cần có một mức lợi nhuận kì vọng hợp lí. Mức lợi nhuận trung bình hàng năm có thể không quá lớn, nhưng nếu mức này cao hơn hẳn lãi suất ngân hàng để phản ánh mức rủi ro cao hơn của hoạt động đầu tư bất động sản tại các huyện này thì đây vẫn có thể là một khoản đầu tư hợp lí.

Khánh Hà