|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dù giá lên cao, lượng tiêu thụ biệt thự, nhà phố ở Hà Nội năm 2019 vẫn tăng mạnh

17:20 | 07/01/2020
Chia sẻ
Năm 2019, nguồn cung thị trường nhà ở gắn liền với đất Hà Nội ghi nhận tổng cộng 4.200 căn, trong đó có 3.853 căn bán được (tương đương với tỉ lệ hấp thụ 91%). Lượng tiêu thụ này tăng 47% so với năm ngoái.

Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, năm 2019, thị trường nhà ở gắn liền với đất (nhà liền thổ) ghi nhận tổng cộng 4.200 căn mở bán, đạt mức tăng ấn tượng 82% theo năm. Trong đó, hầu hết các sản phẩm đưa ra thị trường đều có mức hấp thụ tốt.

"Doanh số bán hàng khả quan tiếp tục cho thấy các sản phẩm biệt thự, nhà phố được thị trường đón nhận tích cực, với 3.853 căn bán được trong năm 2019, tăng 47% so với cùng kì năm ngoái", CBRE nhận định.

Năm 2019, lượng tiêu thụ biệt thự và nhà phố Hà Nội đạt 91% - Ảnh 1.

Năm 2019, thị trường nhà liền thổ Hà Nội ghi nhận tổng cộng 4.200 căn mở bán. (Ảnh: Hà Lê)

Về hoạt động thị trường, trong quí 4/2019, giá biệt thự trung bình trên thị trường thứ cấp đạt 4.248 USD/m2 (đã bao gồm giá đất và chi phí xây dựng). Giá bán ghi nhận mức tăng 2,2% so với quí II/2019 và 11,3% so với cùng kì năm 2018. 

Đơn vị này nhận định, giá chào bán thứ cấp được ghi nhận tăng tại nhiều khu vực, đặc biệt là tại cụm dân cư mới ở các quận/huyện Gia Lâm, Hoài Đức và Hà Đông.

Theo nhận định CBRE, nếu so với TP HCM thì Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mảng nhà phố, biệt thự hơn. Trong khi đó, xét về cả nguồn cung và số lượng chào bán được thì TP HCM đều thấp hơn Hà Nội.

Đơn vị này phân tích thêm, tuy mức độ hấp thụ và điểm hấp dẫn của thị trường nhà liền thổ rất cao nhưng nếu như phần lớn người mua là các nhà đầu tư thì sẽ rất dễ tạo ra các khu đô thị "ma". Bởi yếu tố cần thiết để tạo động lực cho các khu đô thị phát triển đó chính là cư dân.

Do đó, đối với chủ đầu tư, phải có chiến lược cũng như các định hướng để chọn lọc khách hàng, làm sao đó để song song với việc kinh doanh cũng phải đẩy mạnh việc phát triển các khu đô thị.

Theo dự báo của CBRE, đến năm 2020, thị trường nhà liền thổ dự kiến sẽ mở rộng hơn nữa tới các quận ngoại thành trong khi sức hấp thụ của thị trường vẫn duy trì tích cực do người mua đang chú ý nhiều hơn đến các khu vực này.

Hà Nội dự kiến sẽ chào đón lượng nguồn cung tương lai dồi dào, cùng với đó là sự hình thành các cụm dân cư mới ra xa hơn tại các khu vực phía Tây và Bắc thành phố, đến từ cả các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ngoài ra, các yếu tố hạ tầng vẫn là động lực phát triển của các khu đô thị ở các tỉnh lân cận. Trong thời gian tới, cơ sở hạ tầng liên tỉnh đang được cải thiện, bao gồm việc hoàn thành các đường quốc lộ và cao tốc, cũng như việc thành lập các trung tâm công nghiệp lớn.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đang từng bước xây dựng và tiếp thị các dự án khu đô thị được đầu tư tiện tích và tiện nghi đầy đủ, cùng với đó là các sản phẩm nhà ở chuyển từ đất nền sang bàn giao hoàn thiện.

"Với động thái này, thị trường kì vọng các tổ hợp dự án đồng bộ hơn ở các khu vực xung quanh Hà Nội, cùng với sự phân tích kĩ lưỡng nguồn cầu của các chủ đầu tư để tránh sự hình thành các các khu đô thị ma trong tương lai", CBRE cho hay.

Đơn vị nghiên cứu này cũng kì vọng, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có một hệ thống tàu điện ngầm hoàn chỉnh để có thể thay thế một lượng lớn phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết kẹt xe. Đồng thời, sẽ có các khu đô thị thông minh tích hợp vào bên trong các khu dân cư hiện tại… 

Hà Lê