|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai năm 'làm' TPP không nhận được câu hỏi nào của doanh nghiệp

09:28 | 01/04/2017
Chia sẻ
Đại diện của Bộ Công Thương cho biết: sau nhiều hội thảo và 2 năm "làm" về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng tôi chưa nhận được một câu hỏi nào của doanh nghiệp. Nhận thức và quan tâm của doanh nghiệp đến FTA còn chưa đầy đủ.
hai nam lam tpp khong nhan duoc cau hoi nao cua doanh nghiep
Đầu tư vào ngành dệt may có nhiều tnn hiệu mới trong quý I. Ảnh: Phan Thu.

Doanh nghiệp chưa quan tâm

Khẳng định không "tô hồng" song phát biểu tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội cho các doanh nghiệp khi tham gia FTA” vừa được tổ chức mới đây, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) vẫn nhấn mạnh đến lợi ích cốt lõi mà FTA mang lại.

Theo đó, lợi ích đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khi kí kết FTA là mở cửa thị trường, hay nói cụ thể là tăng trưởng xuất khẩu nhờ giảm thuế. Vị này dẫn chứng từ ngành dệt may: “Nếu chúng ta không phải thành viên của WTO thì khi xuất khẩu quần áo sang Mỹ sẽ phải chịu thuế 150% nhưng nếu là thành viên của WTO thì mức thuế còn 25%. Hơn thế, nếu có FTA thì mức thuế này sẽ chỉ còn 0-5%, có những mặt hàng theo lộ trình sẽ về 0%. Như vậy, nếu không phải thành viên của WTO thì hàng dệt may không thể bán được sang Mỹ với mức thuế 150% bởi không thể cạnh tranh được với Trung Quốc, Thái Lan…”.

Lợi ích lớn nhưng nhận thức và hiểu biết của doanh nghiệp về các FTA dường như vẫn còn mờ nhạt dẫn tới cảm giác Việt Nam bị thua thiệt khi hội nhập. Một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chỉ có 17-18% doanh nghiệp hiểu rõ về AEC, còn lại chỉ loáng thoáng, thậm chí còn không hiểu.

Không dừng ở đó, ông Khanh dẫn chứng thêm, ngay cả khi Bộ Công Thương đứng ra tổ chức hội thảo về TPP, có mời đích danh các doanh nghiệp dệt may đến tham gia hội thảo. Buổi sáng, đại biểu tham gia kín phòng nhưng đến buổi trưa chỉ còn khoảng 1/3 và khi kết thúc chỉ còn 10-15 người.

“Chúng tôi có hỏi doanh nghiệp quan tâm hay có vướng mắc gì về thuế, về cơ chế thì có thể hỏi nhưng không nhận được một câu hỏi nào. Mối quan tâm của doanh nghiệp với các FTA dường như còn hạn chế”, ông Khanh nêu ý kiến.

Vị lãnh đạo cấp vụ của Bộ Công Thương tỏ ra khá buồn và không dưới 2 lần nhắc rằng, Bộ Công Thương sẵn sàng cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nếu doanh nghiệp thực sự quan tâm. Ví dụ doanh nghiệp quan tâm đến thị trường EU, khi FTA Việt Nam – EU có hiệu lực thì mặt hàng dệt may bao giờ được giảm thuế về 0% và làm thế nào để doanh nghiệp được hưởng mức thuế đó, doanh nghiệp có phải chuẩn bị thủ tục gì không. Hay với những doanh nghiệp quan tâm thị trường Trung Quốc, Mỹ cũng vậy.

“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho doanh nghiệp mọi thông tin thế nhưng như tôi đã nói, 2 năm làm TPP, chúng tôi không nhận được câu hỏi nào từ doanh nghiệp”, ông Khanh khẳng định.

TPP sẽ đi về đâu?

Bên cạnh những FTA Việt Nam đã kí và thực hiện thì hiệp định (còn dang dở) TPP cũng là mối quan tâm của rất nhiều người lúc này.

Với câu hỏi “việc Mỹ rút khỏi TPP liệu TPP có tiếp tục nữa không?”, ông Khanh nêu quan điểm cá nhân của mình rằng, đến thời điểm này mà đưa ra kết luận về số phận của TPP là quá sớm, hình thù TPP thế nào vẫn chưa rõ. Phía Mỹ cũng đang còn nhiều vấn đề cần xử lí.

Hiện nay, các nước đang cố gắng tìm kiếm phương hướng mới cho TPP. Một số nước như Mỹ có ý định đàm phán song phương với một số nước TPP bởi họ cho rằng đàm phán song phương lợi hơn đa phương. Mexico cũng muốn đàm phán song phương. Tuy nhiên, cũng có một số nước như Australia, New Zealand lại muốn có TPP-1, tức là không có Mỹ, hoặc cũng có ý tưởng mời một số nước trong khu vực tham gia.

“Đó mới là ý tưởng, còn để trở thành hiện thực thì còn thời gian dài”, ông Khanh nhấn mạnh và cho rằng, chúng ta cần bình tĩnh làm và không quá quan ngại về việc TPP sẽ ra sao.

Theo số liệu mới công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 3 tháng gần đây, thu hút FDI các dự án mở rộng thêm vốn tăng trên 200%, những dự án hồ sơ xin mua cổ phần tăng trên 150%, tổng thể số vốn đăng kí mới tăng 77% so với cùng kì. Do vậy, ông Khanh cho rằng, việc Mỹ rút khỏi TPP không ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút FDI như nhiều người quan ngại, nhiều nhà đầu tư vẫn tin môi trường Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP thì đầu tư vào dệt may cuối năm 2016 có chững lại. Tuy nhiên, trong quý I/2017, doanh nghiệp đã bắt đầu nhìn ra vấn đề “không có TPP thì chúng ta còn có các hiệp định khác”. Do vậy, việc đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi trong ngành dệt may bắt đầu rục rịch, có đầu tư.

Phan Thu