Hai kịch bản tăng trưởng tín dụng năm 2023
Theo báo cáo vĩ mô năm 2023 của Chứng khoán BIDV (BSC), lượng giao dịch liên ngân hàng tăng mạnh trong năm 2022 bất chấp đà tăng của lãi suất cho thấy sức ép căng thẳng lên hệ thống liên ngân hàng.
Tuy nhiên, áp lực đã suy giảm vào cuối năm nhờ tỷ giá đã bình ổn trở lại và Bộ tài chính cũng đưa ra một số kiến nghị liên quan đến giảm mức độ thắt chặt của Nghị định 65/2022.
Theo các chuyên gia phân tích, với tình trạng lạm phát Việt Nam đang trên đà tăng mạnh và Fed có thể tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % theo kế hoạch hiện hành của họ, NHNN có thể sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 - 1 điểm%. Hiện tượng này sẽ trực tiếp tác động đến lượng tiền chảy vào nền kinh tế Việt Nam.
BSC đưa ra hai kịch bản chính cho tăng trưởng tín dụng và M2 cho năm 2022.
Kịch bản thứ nhất, lạm phát Việt Nam tăng cao và Fed nâng lãi suất hơn 0,75 điểm % có thể khiến lãi suất điều hành tăng thêm 1 điểm %. Thêm vào đó, nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi chậm sẽ khiến cho M2 và tín dụng có mức tăng thấp hơn so với giai đoạn 2020-2021. M2 và tín dụng ước tính lần lượt tăng 6% và 10%.
Với kịch bản số hai, lạm phát Việt Nam được kiểm soát và Fed nâng lãi suất thêm 0,75 điểm % thì có thể khiến lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm %. Bên cạnh đó, nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhanh thì sẽ khiến cho M2 và tín dụng tăng nhanh hơn giai đoạn 2020-2021. M2 và tín dụng ước tính lần lượt tăng 12% và 14%.