Hải Dương có thêm hai cơ sở xử lý quả vải xuất khẩu sang Nhật Bản
Các cơ sở này có thể xử lý quả vải bắt đầu từ hôm nay (29/5) để xuất khẩu khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Hai cơ sở xử lý ở Hải Dương là của Công ty cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Rồng Đỏ. Hai cơ sở này có tổng cộng 3 buồng xử lý, mỗi buồng có công suất từ 2,5 - 3 tấn/mẻ.
Như vậy, đến thời điểm này, Nhật Bản đã công nhận tổng cộng 4 cơ sở xử lý quả vải để xuất khẩu sang thị trường này với 5 buồng của Công ty Cổ phẩn Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Rồng Đỏ, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu và Trung tâm Kiểm dịch SNK 1.
Với sự bổ sung này, tổng công suất xử lý vải trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản được nâng lên từ 35-40 mẻ/ngày, cao gấp nhiều lần công suất xử lý của năm 2020. Năm vừa qua, mỗi ngày chỉ có từ 7,5 - 8 tấn vải được xử lý trước khi lên đường đi Nhật Bản.
Ngoài tăng về số lượng buồng xử lý, năm nay quy trình cũng được cải tiến nhằm giảm bớt thời gian và chi phí sơ chế. Về phía Cục Bảo vệ thực vật, từ kinh nghiệm năm 2020, năm nay Cục đã bố trí nhân lực giám sát, thực hiện quá trình kiểm định thực vật và cấp giấy chứng nhận ngay tại cơ sở xử lý.
Bên cạnh việc đảm bảo nhân lực tại chỗ, quy trình đảm bảo an toàn dịch bệnh cũng được tăng cường để các cán bộ kiểm dịch thực vật yên tâm làm việc trong điều kiện COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, không làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu vải.
Về chất lượng vải năm nay, các khách hàng ở Nhật Bản đánh giá là có chất lượng cao hơn mùa vụ 2020. Số lượng vải đã xuất sang Nhật Bản trong những ngày vừa qua chỉ từ 2-3 tiếng là đã được tiêu thụ hết.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, việc lắp đặt buồng xử lý và được cấp phép vận hành tạo thuận lợi rất lớn cho việc xuất khẩu vải, doanh nghiệp chủ động được từ nguyên liệu, sơ chế, đóng gói, khử trùng để phục vụ xuất khẩu.
Những lô vải đầu mùa xuất sang Nhật Bản trước đó, doanh nghiệp phải vận chuyển nguyên liệu và đưa công nhân lên Hà Nội để xử lý tại Cục Bảo vệ thực vật nên mất thời gian và tốn kém.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, hiện đang là cao điểm thu hoạch vải nên công ty đã phải tăng gấp đôi nhân lực so với các thời điểm khác để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Cùng với việc xử lý cho những đơn hàng của doanh nghiệp, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cũng nhận xử lý gia công cho 4 doanh nghiệp khác cùng xuất khẩu vải sang Nhật Bản.
Theo ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, vụ vải năm 2021, ngành nông nghiệp nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị các điều kiện cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu cho quả vải.
Do đó, Sở đã mời các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có uy tín lắp đặt trang thiết bị phục vụ sơ chế, bảo quản, đóng gói vải theo tiêu chuẩn của các thị trường. Đồng thời, kết nối những doanh nghiệp này với các doanh nghiệp khác để đẩy mạnh công suất hoạt động của các trang thiết bị này, từ đó giúp tăng tối đa sản lượng vải đưa sang thị trường cao cấp.
Hiện vải sớm Thanh Hà đã tiêu thụ được khoảng 65% sản lượng và dự kiến, vải sớm có sản lượng khoảng 30.000 tấn và vải chính vụ khoảng 25.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2020. Trà vải thiều chính vụ sẽ bắt đầu thu hoạch từ ngày 1/6 và thu hoạch rộ từ ngày 5/6.
Năm nay, do có nhiều kênh tiêu thụ được đẩy mạnh nên giá vải Hải Dương cao. Đối với vải các vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore, doanh nghiệp đang thu mua với giá cao hơn từ 7.000-10.000 đồng/kg so với vải ngoài vùng xuất khẩu.