|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hai cá nhân cho một công ty vay tiền, hoán đổi cổ phiếu với giá gấp rưỡi trên sàn

11:35 | 28/10/2023
Chia sẻ
Theo kế hoạch, Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh sẽ vay hàng chục tỷ đồng từ hai cá nhân và phát hành cổ phiếu để hoán đổi. Giá hoán đổi dự kiến 10.000 đồng/cp, cao hơn 47% thị giá phiên 27/10.

Trong 2 ngày 24/10 và 26/10, hội đồng quản trị (HĐQT) của CTCP Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh (Mã: TKG) đã thông qua việc vay vốn kinh doanh.

Cụ thể, công ty sẽ vay tổng cộng 41,5 tỷ đồng từ ông Vũ Đình Tuyên (21,5 tỷ đồng) và ông Mai Duy Phan (20 tỷ đồng). Theo báo cáo quản trị bán niên, hai cá nhân này không có liên quan đến người nội bộ Tùng Khánh.

Phía Tùng Khánh có nghĩa vụ hoán đổi nợ vay thành cổ phiếu TKG cho ông Tuyên và ông Phan khi hai cá nhân này yêu cầu. Số lượng cổ phiếu hoán đổi nợ dự kiến tương ứng 2,15 triệu và 2 triệu đơn vị. Giá cổ phiếu hoán đổi dự kiến là 10.000 đồng/cp.

Như vậy, nếu thực hiện hoán đổi tối đa số vốn vay trên, số lượng cổ phiếu lưu hành tăng lên thành 10,45 triệu đơn vị. Đồng thời, ông Tuyên và ông Phan trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu lần lượt 20,5% và 19,1% vốn (tổng cộng 39,7% vốn).

Mục đích vay của Tùng Khánh nhằm cơ cấu nguồn vốn, thanh toán tiền nợ vay ngân hàng và các hoạt động khác; mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh; bổ sung vốn lưu động.

Số tiền 41,5 tỷ đồng nêu trên đáng kể nếu nhìn vào tình hình tài chính gần đây của Tùng Khánh. Đơn vị chuyên kinh doanh thương mại mặt hàng inox, đồ gia dụng đang có tổng tài sản chưa đến 86 tỷ đồng tại cuối tháng 9, trong đó khoản phải thu ngắn hạn chiếm hơn phân nửa (46 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu 57 tỷ đồng và lãi sau thuế chưa đầy 300 triệu đồng, giảm lần lượt 40% và 83% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III công ty có lãi sau thuế 114 triệu đồng, giảm 62% so với cùng kỳ. Công ty cho biết gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ giảm, kéo doanh thu đi xuống, trong khi vẫn phải duy trì các chi phí.

Nợ phải trả tại cuối tháng 9 trên 20 tỷ đồng, 79% là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Trong bối cảnh kinh doanh ảm đảm, bộ máy nhân sự điều hành và cổ đông lớn liên tục biến động. Ban lãnh đạo đã bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Phú làm giám đốc kể từ 18/9, thay thế ông Phạm Hùng Linh. Tuy nhiên mới đây, phía công ty lại bổ nhiệm Lê Thị Trà My làm giám đốc kể từ 16/10 thay ông Phú.

Về tình hình sở hữu cổ đông lớn, Giao dịch hàng hóa TP HCM đã bán 370.000 cổ phiếu TKG vào ngày 29/9. Như vậy, cùng với 10.000 đơn vị bán vào ngày 27/9, cổ đông này đã thoái sạch vốn. Trước đó, HCT trở thành cổ đông lớn sau khi mua 146.000 đơn vị vào ngày 26/9, nâng sở hữu lên mức 6,02% vốn.

Nhóm cổ đông liên quan HCT cũng bán ra. Theo báo cáo giao dịch mua vào ngày 146.000 cổ phiếu TKG ngày 26/9, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - ông Lê Văn Tĩnh nắm giữ 3,02%, Kế toán trưởng - bà Trần Thị Hiền nắm 1,43%, Ủy viên Hội đồng Quản trị - ông Trần Phú nắm 1,19%, công ty con của HCT là CTCP Quản lý tài sản HCT cũng sở hữu 0,79%. Tổng sở hữu cả nhóm (bao gồm HCT sau khi thành cổ đông lớn) đạt 12,45% vốn, tương ứng với 786.000 đơn vị.

Tuy nhiên, đến báo cáo giao dịch ngày 29/9, nhóm cổ đông chỉ còn ghi nhận ông Trần Phú nắm giữ 1,03% vốn, tương ứng với 65.000 cổ phiếu TKG, đồng nghĩa với việc ông Tĩnh, bà Hiền, Quản lý tài sản HCT đã bán hết cổ phiếu.

TKG từng có chuỗi 7 phiên sàn từ 21/9 đến 29/9. Thị giá sau đó vẫn thường xuyên ghi nhận những phiên tăng trần giảm sàn đan xen. TKG kết phiên sáng 27/10 tại giá trần 6.800 đồng/cp, giảm 50% qua 3 tháng, khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 310.000 đơn vị.

Diễn biến thị giá TKG từ tháng 7 đến hết phiên sáng 27/10. Biểu đồ: TradingView.

Lai Phong