Hà Nội xuất hiện xu hướng hợp nhất công ty con từ văn phòng hạng B, C chuyển sang hạng A
Tại buổi công bố tiêu điểm quý IV/2016 và triển vọng thị trường bất động sản Hà Nội trong năm 2017, CBRE nhận định, khách thuê đang ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng tòa nhà, nhiều doanh nghiệp đã hợp nhất các công ty con từ những tòa nhà hạng B và C để chuyển sang văn phòng hạng A.
Năm 2016, thị trường văn phòng cho thuê đón nhận thêm 1 tòa văn phòng hạng A và 5 tòa hạng B. Cụ thể, tòa văn phòng hạng A TNR ra mắt trong quý I với gần 52.000 m2 diện tích cho thuê; 5 tòa văn phòng hạng B liên tiếp ra mắt trong 3 quý cuối năm là tòa nhà 789, Handico, VP Bank, MD Conplex và tòa Suced Tower, tổng nguồn cung là 103.000 2.
Tòa văn phòng hạng A TNR ra mắt trong quý I/2016 cung cấp gần 52.000 m2 diện tích cho thuê (Ảnh: CBRE) |
Tính đến hết năm 2016, tổng nguồn cung của văn phòng cho thuê lên tới gần 1,2 triệu m2, hạng B chiếm 65% trong đó. Khu vực phía Tây tiếp tục dẫn dắt nguồn cung với hơn 546.000 m2, chiếm 44% tổng lương cung toàn thị trường.
Giá chào thuê tại phân khúc hạng A đạt 28,5 USD/m2/tháng, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá thuê hạng B là 17,8 USD/m2/tháng, mức giá này tương đối ổn định. Vì nguồn cung mới lớn nên tỷ lệ trống của cả văn phòng hạng A và B đều tăng. Trong đó, tỷ lệ trống tại phân khúc hạng A đạt 15,8%, tăng 3,3 điểm phần trăm; tỷ lệ trống tại phân khúc hạng B đạt 16,5%, tăng 5,6 điểm phần trăm.
CBRE cho biết, tỷ lệ hấp thụ văn phòng cho thuê trong năm 2016 khoảng 89.000 m2, thấp hơn so với năm 2015. Văn phòng tại khu vực trung tâm đang dần được lấp đầy dẫn đến sự mở rộng ra khu vực ngoài trung tâm, điều này có thể khiến giá chào thuê của khu vực ngoài trung tâm tăng lên trong thời gian tới.
Trong quý IV/2016, tỷ lệ hấp thụ phân khúc hạng A cao nhất được ghi nhận tại khu vực quận Đống Đa và Ba Đình. Ngoài ra, các văn phòng hạng B ở phía Tây với nguồn cung lớn cũng đang có sự cạnh tranh gay gắt.
Dự kiến, các tòa văn phòng lớn ở cả hạng A và B đang được xây dựng và hoàn thiện sẽ ra mắt trong các năm tới, khu vực phía Tây và các quận Đống Đa, Ba Đình sẽ tiếp tục dẫn dắt nguồn cung của thị trường.
Bên cạnh đó, báo cáo của CBRE cũng nhận định, phân khúc bất động sản bán lẻ tại Hà Nội trầm lắng trong 6 tháng đầu và sôi động hơn trong nửa cuối năm. Những TTTM không thành công đã phải đóng cửa, di dời hoặc sắp xếp lại.
Cụ thể, trong quý IV/2016, 2 dự án vừa ra mắt là Trung tâm thương mại (TTTM) Vincom Phạm Ngọc Thạch và Vincom Plaza Bắc Từ Liêm cung cấp thêm 45.900 m2 diện tích cho thị trường. Trong khi tháng 11, 1 TTTM Tổng hợp đóng cửa khiến nguồn cung toàn thị trường còn 758.216 m2, tăng 4,9% so với quý trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ trống của mặt bằng bán lẻ trong quý này giảm 7,7 điểm phần trăm theo quý và giảm 5 điểm phần trăm theo năm. Nguyên nhân là do tỷ lệ lấp đầy cao của những dự án mới và do TTTM Tổng hợp vốn có tỷ lệ trống cao bị đóng cửa.
Giá thuê trung bình tại các TTTM ở Hà Nội giảm 7,6% so với quý trước do giá thuê tại vùng ngoại thành sụt giảm.
Báo cáo dự đoán, xu hướng chuyển ra vùng ngoại ô được dự đoán vẫn tiếp tục diễn ra trong những năm tới; lượng cung mặt bằng bán lẻ Hà Nội trong năm 2017 khoảng 106.000 m2, toàn bộ đều ở khu vực ngoại thành.