|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hà Nội 'xoay' phương án đầu tư cầu Vĩnh Tuy mới, Him Lam có 'tuột' quỹ đất 440 ha ở bãi ngoài đê tả sông Hồng?

18:44 | 04/07/2019
Chia sẻ
Việc Hà Nội xoay phương án đầu tư cầu Vĩnh Tuy mới, với sự rút lui chủ động của Him Lam, đồng nghĩa rằng tập đoàn lõi của đại gia Dương Công Minh sẽ không còn cơ hội nhận được phần đất đối ứng "đổi" lại cho việc xây cầu - theo phương án cũ.

Tuy nhiên, để nói rằng Him Lam đã "tuột" hoàn toàn quỹ đất 440 ha thuộc khu vực đất bãi ngoài đê tả sông Hồng thì chưa hẳn đã đúng.

Dự án đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được UBND Tp. Hà Nội phê duyệt quyết định đầu tư vào năm 2011. Sau đó 6 năm, Hà Nội chuyển sang đầu tư bằng hình thức BT, rồi giao cho CTCP Him Lam lập hồ sơ đề xuất dự án. 

Tuy nhiên, với chủ trương mới của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội, dự án này sẽ chuyển về triển khai bằng hình thức đầu tư công.

Cụ thể, theo phương án đầu tư công vừa được Ban Chấp hành Đảng bộ Tp. Hà Nội thông qua ngày 3/7, tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vào khoảng 2.561 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của VietTimes, dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 3.597 tỷ đồng, bao gồm một cầu phía thượng lưu với bề rộng mặt cắt ngang 19,2m và các đường dẫn hai đầu cầu. Dự án đã triển khai thi công hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2010.

Đối với giai đoạn 2, UBND Tp. Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng một cây cầu khác có kết cấu tương tự với 4 làn xe (trong đó có 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đi bộ) có tổng chiều dài là 3.504m và cách mép cầu cũ 2m.

Việc triển khai thi công dự án sẽ không phải thực hiện giải phóng mặt bằng (vì đã được thực hiện trong giai đoạn 1). Hoạt động lựa chọn nhà thầu dự kiến sẽ hoàn thành vào Quý 3/2020, thi công trong hơn 1 năm và hoàn thành vào tháng 12/2022.

Hà Nội 'xoay' phương án đầu tư cầu Vĩnh Tuy mới, Him Lam có “tuột” quỹ đất 440 ha ở bãi ngoài đê tả sông Hồng? - Ảnh 1.

Cầu Vĩnh Tuy hiện tại. (Ảnh: CAND)

Him Lam có “tuột" quỹ đất 440 ha?

Trước đó nhiều năm, UBND Tp. Hà Nội đã lên kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 của dự án bằng nguồn vốn đầu tư của ngân sách thành phố, mục tiêu dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2013 - 2015. Sau đó, việc xây dựng cầu Vĩnh Tuy mới đã được đình giãn, hoãn tiến độ thực hiện đầu tư.

Đến năm 2017, UBND Tp. Hà Nội đã “xoay” sang phương án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy mới bằng hình thức BT, rồi sau đó giao cho CTCP Him Lam (Him Lam) lập hồ sơ đề xuất.

Quỹ đất dự kiến được đem ra đối ứng có diện tích 440ha, trải rộng trên địa bàn các phường Long Biên, Cự Khối, Bồ Đề, Thạch Bàn (quận Long Biên) và xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) thuộc khu vực đất bãi ngoài đê tả sông Hồng, nằm trong ranh giới quy hoạch phân khu đô thị N10 (khoảng 320 ha) và phân khu đô thị sông Hồng đang trong quy hoạch nhằm thanh toán cho dự án và dự án nút giao khác mức giữa vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long.

Dẫu vậy, các thông tin quy hoạch chi tiết về khu đất này vẫn chưa được xác định rõ. Nguyên nhân là do UBND Tp. Hà Nội đang trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu vực này theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Mặt khác, các dự án BT đều đang phải tạm dừng chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT).

Việc nghị định kể trên chưa được ban hành khiến nhiều dự án BT tại các địa phương trên khắp cả nước rơi vào cảnh ách tắc, không thể triển khai. Các nhà đầu tư vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên cũng phải nhận thức rằng, sau thời gian đưa vào áp dụng thực tế, pháp luật về BT đã bộc lộ nhiều "kẽ hở", một số dự án BT ở Hà Nội và các địa phương có dấu hiệu biến tướng, méo mó và tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm, thất thoát công sản, ngân sách nhà nước.

Việc Chính phủ xây dựng Nghị định để "vá" và hoàn thiện hơn hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư theo hình thức BT là cần thiết, thậm chí là cấp thiết. 

Với Nghị định mới, các dự án BT sẽ minh bạch hơn, việc xác định giá trị đầu tư sẽ kín kẽ hơn, cơ chế hoán đổi/đối ứng sẽ chặt chẽ hơn; BT sẽ không còn là "mảnh đất màu mỡ" cho các nhóm thân hữu (như nhiều chuyên gia, nhà chuyên môn đã cảnh báo) và dĩ nhiên khi ấy, tính hấp dẫn của các dự án BT cũng sẽ khác đi.

Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 - nếu áp dụng theo hình thức BT - tất nhiên sẽ phải chịu điều chỉnh và giám sát bởi Nghị định mới nêu trên. Nhưng chưa rõ đây có phải là một trong các nguyên nhân khiến nhà đầu tư Him Lam chủ động rút lui khỏi dự án sau nhiều năm chờ đợi. 

Song cần thiết phải khẳng định, rằng Him Lam là một doanh nghiệp lớn, có tiềm lực, có kinh nghiệm và đã khẳng định năng lực qua nhiều dự án quy mô, trong đó có không ít dự án BT.

Hà Nội 'xoay' phương án đầu tư cầu Vĩnh Tuy mới, Him Lam có “tuột” quỹ đất 440 ha ở bãi ngoài đê tả sông Hồng? - Ảnh 2.

Dự án Nút giao thông trung tâm quận Long Biên do Him Lam đầu tư theo hình thức BT đã bị Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)

Việc Hà Nội xoay phương án đầu tư cầu Vĩnh Tuy mới, với sự rút lui chủ động của Him Lam, đồng nghĩa rằng tập đoàn lõi của đại gia Dương Công Minh sẽ không còn cơ hội nhận được phần đất đối ứng "đổi" lại cho việc xây cầu - theo phương án cũ. 

Tuy nhiên, để nói rằng Him Lam đã "tuột" hoàn toàn quỹ đất 440ha thuộc khu vực đất bãi ngoài đê tả sông Hồng thì chưa hẳn đã đúng.

Bởi lẽ, trước đây, Him Lam cũng đã hoàn tất đầu tư cho Hà Nội một công trình giao thông trọng yếu theo hình thức BT, nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán quỹ đất đối ứng.

Cụ thể đó là dự án BT: Đầu tư xây dựng Nút giao thông trung tâm quận Long Biên (tên cũ là nút giao thông Cầu Chui).

Dự án nút giao thông trung tâm quận Long Biên do CTCP Him Lam thực hiện thông xe vào ngày 18/1/2016. Dự án được đánh giá là điểm quan trọng kết nối các trục đường quốc lộ với hệ thống giao thông cửa ngõ phía Bắc của TP Hà Nội. CTCP Him Lam và Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn tiến hành ký hợp đồng BT với giá trị 2.379 tỷ đồng.

Đổi lại, quỹ đất UBND Tp. Hà Nội dự kiến giao cho Him Lam tọa lạc tại 4 vị trí trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm có tổng diện tích tạm xác định là hơn 567ha.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) được công bố vào cuối năm 2018, tổng mức đầu tư của dự án này được xác định giảm tới 1.079,3 tỷ đồng, chỉ còn 1.300,4 tỷ đồng.

Hà Nội 'xoay' phương án đầu tư cầu Vĩnh Tuy mới, Him Lam có “tuột” quỹ đất 440 ha ở bãi ngoài đê tả sông Hồng? - Ảnh 3.

Ý tưởng về Khu đô thị Him Lam City - Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội đã có từ khá lâu.

Tại thời điểm kiểm toán, quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án đối ứng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và Him Lam chưa được giao đất thực hiện dự án đối ứng.

Tuy vậy, không loại trừ khả năng, khu đất đối ứng được nhắm đến cho dự án nêu trên cũng thuộc bãi ngoài đê tả sông Hồng - cũng là khu vực có quỹ đất dự kiến để thanh toán cho dự án đầu tư cầu Vĩnh Tuy mới. 

Bởi lẽ, theo tìm hiểu của VietTimes, từ nhiều năm trước Him Lam đã lên phương án phát triển một dự án địa ốc quy mô ở khu vực này, có tên Khu đô thị Him Lam City - Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội, hay Khu đô thị Him Lam Đông Đô.

Phạm Duy

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.