Hà Nội xây cầu Mễ Sở vượt sông Hồng, tổng mức đầu tư gần 4.900 tỷ đồng
Hà Nội sắp xây cầu Mễ Sở vượt sông Hồng (ảnh minh họa) |
Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND TP. Hưng Yên và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch hiện có.
Dự án xây dựng cầu Mễ Sở và đường hai đầu cầu sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn dự tính là 22 năm 11 tháng.
Được biết, đề xuất đầu tư dự án này là của Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Nguyên Minh.
Theo đó, liên danh này đề xuất xây dựng dự án có chiều dài khoảng 13,8km, chiều rộng (giai đoạn 1) là 17m. Điểm đầu dự án (Km0) là nút giao Quốc lộ 1A với đường vành đai 4 thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Điểm cuối dự án (Km 13+176) là nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường vành đai 4, thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Địa điểm trạm thu phí tại phía Đông cầu Mễ Sở (khoảng km 9+400 thuộc địa bàn huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Dự án đầu tư xây dựng cầu Mễ Sở và đường 2 đầu cầu là đoạn tuyến thuộc vành đai 4, quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, địa điểm tại thành phố Hà Nội (đoạn từ Quốc lộ 1B đến hết cầu Mễ Sở) và tỉnh Hưng Yên (đoạn sau cầu Mễ Sở đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc địa giới tỉnh Hưng Yên).
Dự kiến, sau khi hoàn thành dự án sẽ tạo sự kết nối từ đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với mục đích phân luồng giao thông, giảm phương tiện vào khu vực nội đô thành phố, giảm ùn tắc giao thông; tăng hiệu quả khai thác của 2 tuyến đường cao tốc, góp phần phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận.
4 cầu mới được xây dựng theo hình thức BT
Ngoài dự án đầu tư xây dựng cầu Mễ Sở trên, TP. Hà Nội cũng đang chuẩn bị cho xây mới 5 cây cầu lớn qua sông Hồng và sông Đuống, trong đó có 4 dự án dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng xây dựng – chuyển giao BT.
Theo đó, 4 cầu mới được xây dựng theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) gồm: Cầu Tứ Liên (quận Tây Hồ) và đường dẫn cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng.
Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng (quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm) với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng.
Cầu Giang Biên (huyện Gia Lâm) và đường dẫn hai cầu, tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (quận Long Biên) với tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng.
4 cầu mới được xây dựng theo hình thức BT. |
Trong số 4 dự án trên, đáng chú ý nhất là dự án xây dựng cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng nối khu vực trung tâm quận Tây Hồ với khu vực mới đang phát triển ở huyện Đông Anh, cây cầu trị giá 17.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng kinh phí để đầu tư xây dựng mới 4 cây cầu lớn này là 32.500 tỷ đồng (tương đương hơn 1,4 tỷ USD).
Theo loại hình hợp đồng BT thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư sẽ ký hợp đồng để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án khác.
Để có kinh phí xây dựng 4 cây cầu này, Hà Nội dự kiến sẽ phải thanh toán cho các nhà đầu tư quỹ đất dự kiến là 836ha. Quỹ đất này thuộc địa phận của 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm và Long Biên đều nằm ở khu vực phía Bắc Thủ đô.
Bộ Giao thông ủng hộ Hà Nội xây cầu Mễ Sở bằng hình thức BOT | |
Đầu tư 4.881 tỷ đồng xây dựng cầu Mễ Sở vượt sông Hồng nối Hà Nội với Hưng Yên |