Hà Nội ưu tiên đẩy nhanh các dự án bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội
Nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
UBND thành phố Hà Nội ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; kiên quyết không để tình trạng xử lý lòng vòng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án bất động sản.
Thành phố chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cho các dự án bất động sản, nhất là các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng…
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tập trung giải quyết, tháo gỡ ngay các vướng mắc, chậm trễ về giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nếu để xảy ra chậm trễ, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư.
Cùng với đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu đô thị, Quy hoạch các khu chức năng, Quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn... làm cơ sở để triển khai các dự án bất động sản hiệu quả, phù hợp, đồng bộ, hiện đại.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phải công bố công khai danh mục dự án bất động sản phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, chủ động nghiên cứu, đăng ký tham gia đầu tư một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo quy luật thị trường.
Sở Xây dựng Hà Nội khẩn trương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được giao cụ thể tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ‘"Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Mặt khác, tiếp tục theo dõi, rà soát, cập nhật để tham mưu cho thành phố xem xét, điều chỉnh danh mục dự án đầu tư đáp ứng điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện chỉ đạo của thành phố tại Văn bản số 3711/UBND-KTTH ngày 03/11/2023; thực hiện tốt các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt danh mục 122 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đang triển khai xây dựng và chuẩn bị đầu tư, phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân.
Các dự án này dự kiến cung cấp khoảng 25.139.755 m2 sàn nhà ở, khoảng 91.322 căn nhà (gồm 11.612 căn chung cư; 1.824 căn thấp tầng); trong đó, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là 3.540.743 m2 sàn và hoàn thành sau năm 2025 là khoảng 18.806.974 m2 sàn.
Ngoài ra, thành phố cập nhật 8 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vào Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, gồm: nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai); khu nhà ở xã hội cao tầng tại 393 Lĩnh Nam (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai); khu nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh); Nhà ở xã hội tại ô đất CT thuộc Dự án khu nhà ở Minh Đức (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh); khu nhà ở xã hội CT4 Đông Anh (huyện Đông Anh); dự án nhà ở xã hội Đức Thượng (thôn Phú Đa, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức); khu nhà ở xã hội kết hợp bãi đỗ xe (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm); dự án nhà ở xã hội tại khu chức năng đô thị Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm).
Các dự án này dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 8.114 tỷ đồng; cung cấp khoảng 485.120m2 sàn nhà ở, tương ứng 5.572 căn hộ.
Hà Nội cũng cập nhật 1 dự án đầu tư xây dựng mới và 7 dự án đang rà soát theo chỉ đạo của Thành ủy vào kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất nâng lợi nhuận cho chủ đầu tư xây nhà xã hội lên 15 - 20%, thay vì mức cũ 10% vốn không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng kiến nghị vẫn giữ quy định doanh nghiệp làm nhà xã hội được dành 20% đất ở xây nhà thương mại, vì đây là cơ chế ưu đãi quan trọng để thu hút nhiều chủ đầu tư tham gia và cũng là cơ sở hạ giá bán sản phẩm, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà.
Đồng thời, đề nghị cần có quy định riêng trong Luật Đấu thầu về việc chọn chủ đầu tư qua hình thức bốc thăm giống nhiều nước trên thế giới đang triển khai nhằm giúp rút ngắn thời gian; đặc biệt, cần có giải pháp ưu đãi đối với gói 120.000 tỷ cho vay phát triển nhà ở xã hội (về thời gian vay, lãi suất, thủ tục pháp lý).