|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hà Nội: Tín dụng tăng 2,44% trong quý đầu năm

21:03 | 28/03/2017
Chia sẻ
Thực hiện chỉ đạo NHNN Việt Nam và UBND thành phố, những tháng đầu năm các TCTD trên địa bàn Hà Nội tích cực thực hiện các biện pháp tăng trưởng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của địa phương
ha noi tin dung tang 244 trong quy dau nam

Ảnh minh họa

Do đó, theo NHNN Hà Nội, dư nợ cho vay của các TCTD đã có sự tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm (tháng 1 tăng 0,5%, tháng 2 tăng 0,72%, tháng 3 tăng 1,2% so với cuối tháng trước), tốc độ tăng dư nợ cho vay tăng cao hơn so với tốc độ tăng nguồn vốn.

Cụ thể, tính đến 31/3/2017, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đạt 1.498.468 tỷ đồng, tăng 2,44% so với cuối năm 2016 và tăng 16,79% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.148.140 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 76,6% tổng dư nợ và tăng 2,75% so với 31/12/2016.

Dư nợ ngắn hạn chiếm 44,1% so với tổng dư nợ và tăng 1,91%; Dư nợ trung và dài hạn chiếm 55,9% và tăng 3,43%. Dư nợ bằng VND chiếm 88,9% và tăng 2,76%; Dư nợ bằng ngoại tệ chiếm 11,1% và tăng 2,7% so với cuối năm 2016.

Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 80.370 tỷ đồng, tăng 3,83%; DNNVV đạt 471.886 tỷ đồng, tăng 3,19%; bất động sản đạt 91.736 tỷ đồng, tăng 2,49%; cho vay tiêu dùng đạt 102.644 tỷ đồng, tăng 3,32%; cho vay xuất khẩu đạt 112.633 tỷ đồng, tăng 2,92%; cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 6.131 tỷ đồng, tăng 10,53%.

Về thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các NHTM và chi nhánh NHTM trên địa bàn Hà Nội đã cam kết cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp 295.506 tỷ đồng, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm 2017 đạt 45.625 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 268.519 tỷ đồng, trong đó cho vay mới là 208.393 tỷ đồng, dư nợ do điều chỉnh lãi suất khoản vay cũ, gia hạn hợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng là 60.126 tỷ đồng.

Về hoạt động huy động vốn, trong quí I/2017 các TCTD trên địa bàn đã nỗ lực sử dụng các biện pháp huy động vốn, do đó, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng đều đặn, tháng sau cao hơn tháng trước (tháng 1 tăng 0,3%, tháng 2 tăng 0,5%, tháng 3 tăng 0,6% so với tháng trước).

Nguồn vốn huy động bằng nội tệ (chiếm khoảng 84%), nguồn tiền gửi tiết kiệm (chiếm 35,8%), tiền gửi thanh toán (chiếm 64,2% tổng nguồn vốn). Lãi suất huy động ngoại tệ (USD) duy trì ở mức 0%/năm không khuyến khích nắm giữ USD nên nguồn tiền gửi ngoại tệ tiếp tục xu hướng giảm.

Cụ thể, đến 31/3/2017, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD đạt 1.667.716 tỷ đồng, tăng 1,42% so với 31/12/2016 (quí I/2016 tăng 0,5% so với cuối năm trước) và tăng khá mạnh so với cùng kỳ (+15,3%). Trong đó: tiền gửi tiết kiệm tăng 2%, tiền gửi thanh toán tăng 1%, tiền gửi VND tăng 2,26% và tiền gửi ngoại tệ giảm 2,66% so với cuối năm 2016.

“Nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, khách hàng, các nhu cầu đầu tư khác cũng như đảm bảo thanh khoản của các TCTD”, NHNN Hà Nội cho biết.

Trong quý I/2017, các TCTD trên địa bàn chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực xử lý nợ xấu, do đó, nợ quá hạn có xu hướng giảm qua các tháng. Đến 31/3/2017, nợ quá hạn của các TCTD trên địa bàn chiếm 3,01% trong tổng dư nợ.

H.T