|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hà Nội sẽ phát triển khu phức hợp bảo quản, chế biến nông sản

13:55 | 21/02/2020
Chia sẻ
Sáng 21/2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì đầu cầu Hà Nội tham dự Hội nghị trực tuyến "Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hoá nông nghiệp".

Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, là một sự kiện quan trọng nhằm định hướng và đề ra các giải pháp khuyến khích, phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam. 

Hà Nội sẽ phát triển khu phức hợp bảo quản, chế biến nông sản - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì đầu cầu Hà Nội.

Để khuyến khích, thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp phát triển, ngày 3/7/2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4192/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020”. Với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, công nghiệp chế biến và cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đến nay, toàn TP đã có 5.768 máy làm đất (tỷ lệ cơ giới hóa 96,02% tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn TP). Số lượng máy cấy: 288 chiếc, tỷ lệ cơ giới hóa đạt 2,82% tổng diện tích. Máy gặt đập liên hợp: 896 máy. Máy phun thuốc có động cơ: 990 máy. Dây truyền gieo mạ khay tự động: 10 dây truyền.

Trong chăn nuôi bò sữa, Hà Nội đã có 3.000 máy thái cỏ, cơ giới hóa đạt 80%. Máy vắt sữa: 840 máy, cơ giới hóa đạt 37,7%. Trong chăn nuôi lợn, có 562 hệ thống làm mát chuồng trại; 1.356 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động. Trong chăn nuôi gia cầm, có 1.227 hệ thống làm mát chuồng trại; 834 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 17.205 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó, có khoảng 1.000 cơ sở chế biến nông sản. Một số cơ sở chế biến lớn như: Nhà máy chế biến sữa của Công ty CP Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì); nhà máy chế biến thực phẩm xúc xích của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam (huyện Chương Mỹ)...

Theo đánh giá, các doanh nghiệp chế biến nông sản phần lớn nhỏ lẻ, gần 80% là chế biến thô, công suất chỉ đạt 5 - 10% sản lượng nông sản. Nguyên nhân là phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, thiếu vốn để đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất.

Hà Nội sẽ phát triển khu phức hợp bảo quản, chế biến nông sản - Ảnh 2.

Cơ giới hóa làm đất gieo cấy của Hà Nội đạt hơn 96% tổng diện tích.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp Hà Nội còn thấp so với cả nước và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Trình độ công nghiệp hóa nông nghiệp chưa mang tính đồng bộ mà còn rời rạc từng khâu. 

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn. Công nghiệp chế tạo máy thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp trong nước chậm phát triển hầu hết phụ thuộc vào nước ngoài, giá thành cao nên cơ giới hóa phát triển còn hạn chế…

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp, Hà Nội định hướng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm; phát triển các sản phẩm chế biến, chế biến sâu chủ lực của Thủ đô. Hỗ trợ đầu tư mới, đầu tư mở rộng cơ sở chế biến nông sản đối với những ngành hàng chưa có, hoặc còn thiếu công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp chế biến nông sản. Thúc đẩy năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp chế biến nông sản theo hướng tăng cường năng lực, nguồn lực, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư, phát triển 1 khu phức hợp chế biến, bảo quản nông sản. Thúc đẩy hiện đại hóa công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến và bảo quản, từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

Trọng Tùng