|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hà Nội sẽ đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều dự án trong tháng 3

04:40 | 10/03/2023
Chia sẻ
Huyện Sóc Sơn đấu giá quyền sử dụng 25 thửa đất tại khu đất đấu giá số 1, thôn Hương Đình, xã Mai Đình; huyện Chương Mỹ đấu giá 29 thửa đất ở tại khu Mái Sau, thôn Quyết Tiến, xã Hữu Văn.

(Ảnh minh họa. Nguyễn Thanh/TTXVN)

Theo kế hoạch, trong tháng 3/2023, nhiều địa phương của Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng đất là đất ở với thời hạn sử dụng ổn định, lâu dài.

Cụ thể, tại huyện Sóc Sơn, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện và Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 25 thửa đất tại khu đất đấu giá số 1, thôn Hương Đình, xã Mai Đình.

Diện tích các thửa đất từ 95-340m2/thửa, mức giá khởi điểm từ 23-31,6 triệu đồng/m2.

Thời gian, địa điểm phát hành, bán và tiếp nhận hồ sơ từ ngày 7-22/3. Thời gian tổ chức đấu giá vào 8h30 ngày 25/3 tại Hội trường Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn. Theo đó, khách hàng nộp tiền đặt trước từ ngày 22-23/3 vào tài khoản của Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam; đi kiểm tra thực địa vào các ngày 20 và 21/3.

Tại huyện Chương Mỹ, cũng trong ngày 25/3, huyện dự kiến đấu giá 29 thửa đất ở tại khu Mái Sau, thôn Quyết Tiến, xã Hữu Văn.

Các thửa đất có diện tích từ 104,22m2 đến 208,65m2, giá khởi điểm từ 18,2-31 triệu đồng/m2.

Thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá từ ngày 6/3 đến 17h ngày 22/3 (giờ hành chính).

Khách hàng nộp tiền đặt trước từ ngày 22/3 đến 11h ngày 23/3 vào tài khoản ngân hàng của Công ty Đấu giá hợp danh Goldsun.

Địa điểm tham khảo, bán và tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Chương Mỹ (địa chỉ tòa nhà 7 tầng khu Yên Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ); hoặc khách hàng có thể tham khảo hồ sơ tại Văn phòng đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Goldsun, số 35 Yên Lãng, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội (điện thoại 0936.196.399).

Ngoài các địa phương trên, năm 2023, huyện Phúc Thọ dự kiến tổ chức đấu giá 17 khu đất với tổng diện tích 59.102m2; trong đó có 13 dự án đấu giá cho cá nhân, còn lại là các khu đấu giá dành cho tổ chức. Tổng số tiền đấu giá ước đạt khoảng 1.300 tỷ đồng.

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ cho biết các dự án đấu giá cho cá nhân gồm khu Đồng Cầu Lọc (xã Ngọc Tảo); khu Mảy Thảy, khu Man Rộm (xã Phụng Thượng); khu Đồng Phươm (xã Thọ Lộc); khu Đồng Tre Lỗ Gió (xã Võng Xuyên); khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc (gồm hai giai đoạn); khu Hương Nam (xã Xuân Phú); khu Hồ Vân (xã Xuân Đình); khu X10, X11 (xã Ngọc Tảo); khu Trường Yên (xã Long Xuyên); khu Cổng Chợ (xã Tích Giang).

Bốn dự án đấu giá cho tổ chức gồm khu Đồng Cá (xã Phúc Hòa); khu Cổng Nội, khu Hậu Đồng (xã Tam Hiệp) và khu Kim Thanh (dự án nằm tiếp giáp Quốc lộ 32).

Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ, với mục tiêu đề ra rất lớn, hầu hết các dự án sẽ được tổ chức đấu giá ngay trong năm 2023; riêng khu Kim Thanh ( diện tích 91.000m2) sẽ tổ chức đấu giá trong năm 2024.

Tuy nhiên hiện nay, huyện Phúc Thọ cũng như một số quận, huyện khác đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là tiến độ phê duyệt giá khởi điểm các dự án còn chậm so với yêu cầu đề ra.

Đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm cao tương đương với giá giao dịch thực tế trên thị trường nên các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân không tham gia. Thậm chí, nhiều thửa đất đưa ra đấu giá đã có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá nhưng khách hàng trúng đấu giá không nộp tiền và phải quyết định huỷ kết quả.

Để đạt được kế hoạch đề ra, Ủy ban Nhân dân huyện Phúc Thọ yêu cầu các đơn vị chức năng phải hoàn thành việc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến dự án khu Đồng Tre Lỗ Gió (xã Võng Xuyên); hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định giao đất cho dự án đấu giá khu Trường Yên (xã Long Xuyên). Huyện cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ phê duyệt hệ số điều chỉnh K, quyết định phê duyệt giá khởi điểm, làm cơ sở để thực hiện các bước đấu giá tiếp theo.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết hiện nay, nguồn cung sản phẩm bất động sản tại Thủ đô ở mức thấp, chủ yếu là từ các dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư trước đây, còn các dự án đầu tư mới được chấp thuận là không nhiều, chỉ một vài dự án đấu giá đất với quy mô nhỏ.

Đáng chú ý, việc siết chặt chính sách tín dụng, giá nguyên vật liệu tăng cao đã đẩy giá sản phẩm tăng theo (hơn 10%). Mặt khác, một số vướng mắc về thủ tục đầu tư khiến các chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường.

Đối với việc triển khai nhà ở xã hội, việc phân bố khu vực nhà ở xã hội chủ yếu là 20% trong các khu nhà ở, khu đô thị mới đã hình thành, còn các khu mới phải đấu thầu, đấu giá thì cần có thêm thời gian. Hà Nội dự kiến tiến hành đấu thầu 5 khu nhà ở tập trung nhưng cơ chế chính sách cho phân khúc nhà ở cấp trung lại chưa có.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh ở góc độ của Hà Nội, khả năng phát triển các dự án mới gặp khó khăn vì vướng cơ chế đầu tư, đặc biệt mô hình đầu tư, chỉ có hình thức là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển các dự án nhà ở thương mại là khu đô thị mới. Trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì buộc phải thu hồi đất, còn đấu giá quyền sử dụng đất phải trên cơ sở xác định các pháp lý liên quan tới ranh giới của khu vực đấu thầu và đấu giá.

Vướng mắc lớn nhất là việc thu hồi đất, đặc biệt những vấn đề thuộc đối tượng không thể thu hồi đất, chỉ có nhận chuyển nhượng thì không thể đấu thầu được, còn đấu giá đòi hỏi khoảng thời gian tương đối lớn. Đồng thời, việc chỉ định nhà đầu tư vì chính họ là chủ quản lý sử dụng đất, loại hình này chiếm rất nhiều.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tình trạng đấu thầu, đấu giá trên chính mảnh đất có chủ quản lý sử dụng đất và thời gian thuế đất vẫn còn đã và đang xảy ra ở một số nơi. Do đó, Hà Nội kiến nghị xây dựng một nghị định của Chính phủ để xâu chuỗi lại Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở sao cho phân định rõ đấu thầu theo cơ chế, đấu giá theo cơ chế và chỉ định thì theo cơ chế để thúc đẩy việc triển khai vì rất nhiều dự án hiện nay bị dở dang.

Minh Nghĩa

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.