“Hà Nội phải vội” và tham vọng đầu tư hạ tầng, BĐS của bầu Hiển
Ông Đỗ Quang Hiển sinh năm 1962 tại Hà Nội. Người ta biết đến ông nhiều hơn với vai trò ông bầu tài trợ cho các Câu lạc bộ bóng đá. Nếu như trong làng thể thao, "bầu" Hiển, gián tiếp thông qua các công ty đang điều hành, tài trợ cho không chỉ một câu lạc bộ bóng đá, thì ở trên thương trường, vị doanh nhân đất Hà thành này cũng đã và đang bôn ba trong khá nhiều lĩnh vực.
Từ kỹ sư đến doanh nhân thành đạt: Chặng đường nhiều thăng trầm của bầu Hiển
Ông Hiển hiện đang đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Con đường sự nghiệp của ông Đỗ Quang Hiển cũng kinh qua nhiều chặng. Trước khi quyết định thành lập doanh nghiệp đầu tiên (Công ty TNHH Công nghệ và thương mại T&T), bầu Hiển đã đi làm thuê nhiều năm tại Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình và sau đó chàng kỹ sư trẻ chuyển sang tham gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia.
Bỏ công việc 8 tiếng bàn giấy, ông Hiển mở T&T tự kinh doanh và phát triển khá nhanh nhờ mang dòng xe máy giá rẻ như Lifan, Hongda, Loncin từ Trung Quốc về Việt Nam. Năm 2007, vị doanh nhân này chính thức bước chân vào lĩnh vực tài chính khi T&T góp vốn và trở thành cổ đông lớn của SHB.
Có những khoảng thời gian phải cạnh tranh với hàng lậu, hoạt động kinh doanh đối mặt nhiều khó khăn bởi hàng hóa tồn ứ trong kho trong khi nợ vay đã đến hạn trả. Sau chặng đường dài có cả những "khoảng lặng", đến nay, Tập đoàn T&T có bốn lĩnh vực chính: bất động sản, tài chính, công nghiệp và thể thao. Các lĩnh vực kinh doanh này đang được mở rộng thêm nhờ những nước đi M&A táo bạo.
Thể thao là một trong bốn lĩnh vực hoạt động của T&T Group
Cách đây hơn 4 tháng, tại Hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội, ông Hiển tham gia với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng đã qua rồi thời Hà Nội không vội được đâu. "Nhưng đến nay, tôi cho rằng phải chuyển thành câu Hà Nội phải vội rồi", ông Hiển cho biết như vậy khi đánh giá về
tốc độ phát triển của các doanh nghiệp tại Hà Nội.
Cũng giống như việc đầu tư đầy nhiệt huyết của bầu Hiển vào bóng đá, các quyết định đầu tư của vị doanh nhân này được đánh giá là quyết liệt và táo bạo. Hàng loạt thương vụ M&A đã được Tập đoàn của bầu Hiển thực hiện trong năm vừa qua.
"Đích nhắm" của bầu Hiển trong những cuộc đi săn vừa qua là các DNNN cổ phần hóa trong lĩnh vực hạ tầng giao thông hoặc những doanh nghiệp hoạt động đa dạng ngành nghề nhưng có điểm chung ở những miếng đất vàng được giao sở hữu.
Bít tất, rau, bia: điểm chung là các khu đất vàng
T&T của bầu Hiển chính thức bước chân vào lũnh vực bất động sản từ năm 2009 với những dự án đầu tiên là các Tòa nhà Văn phòng và sau đó là Cao ốc phức hợp đa năng, Tòa nhà căn hộ.
Quỹ đất của T&T đã được mở rộng thêm rất nhiều sau đó. Một phần từ giao những khu đất được giao tại Đà Nẵng sau khi đầu tư vào lĩnh vực thể thao tỉnh này. Cùng đó, các thương vụ M&A cũng đồng thời mang thêm đất về.
Thực tế, từ năm 2005, những DNNN cổ phần hóa có lĩnh vực kinh doanh tốt, sở hữu những mảnh đất vàng đã được bầu Hiển để ý tới điển hình như CTCP Dệt kim Hà Nội. Đây là đơn vị sản xuất bít tất thương hiệu Bít tất Dệt Kim có tiếng ở Hà Nội, đồng thời cũng được giao quản lý khu đất trước rộng từng là xưởng mũ cối tại 285 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.
Trong làn sóng cổ phần hóa DNNN diễn ra rầm rộ, các công ty của bầu Hiển tiếp tục tham gia tích cực, trở thành cổ đông chiến lược tại một loạt doanh nghiệp.
Vào tháng 9/2015, hai doanh nghiệp do bầu Hiển làm chủ tịch là T&T Group và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội đã mua cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 50% vốn của Tcty Rau quả Nông sản – Vegetexco. Quỹ đất của Vegetexco rộng 160.000 m2, trong đó phải kể đến hai mảnh đất vàng tại Hà Nội tại 58 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội và số 2 Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội. Số tiền bỏ ra ít nhất hơn 400 tỷ đồng.
Sau đó 3 tháng, Vegetexco lại tiếp tục trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Việt Hà, với tỷ lệ vốn nắm giữa sau cổ phần hóa là 24,33%. Không chỉ có bia, Việt Hà cũng đang được quản lý phần diện tích đất văn phòng làm việc rộng lớn 3.074 m2 tại số 254 Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Doanh nghiệp cũng đang quản lý khu đất 87 Lĩnh Nam (20.000 m2) và một loạt khu đất vàng khác.
T&T tiếp tục đó trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công Lâm Nghiệp Việt Nam (Vinafor) với số lượng cổ phiếu mua vào lên tới 140 triệu cổ phần. Số tiền bỏ ra lên tới 1.414 tỷ đồng. Sau thương vụ này, Tập đoàn của bầu Hiển đã chiếm 40% vốn điều lệ công ty đang quản lý một diện tích rộng lớn rừng và đất cùng các đơn vị thành viên trực thuộc sở hữu.
Trụ sở VinaFor tại Lò Đúc
Chỉ trong thời gian hơn một năm, nối dài cánh tay thông qua phương thức M&A các DNNN đang thực hiện cổ phần hóa, mạng lưới hệ thống các doanh nghiệp đi kèm đó là quỹ đất đã được mở rộng nhanh chóng.
Kế hoạch tham gia đầu tư đường thủy, đường sắt, rồi cả hàng không
Không chỉ bất động sản, bầu Hiển còn đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực hạ tầng, vốn cũng cần bỏ ra không ít chi phí giống như bất động sản. Tính đến thời điểm hiện tại, T&T đang là công ty mẹ của CTCP Cảng Quảng Ninh. T&T sau đó đã đề nghị với Bộ Giao thông Vận tải để đầu tư Cảng hàng không Phú Quốc và Ga Hà Nội theo hình thức xã hội hóa.
Theo đề nghị của Tập đoàn này đến Bộ Giao thông Vận tải, đề xuất của T&T là được "mua" lại sân bay Phú Quốc theo 2 phương án là mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động. Sân bay Phú Quốc có công suất 2,6 triệu hành khách mỗi năm, tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng và được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2012. Nhiều năm trở lại đây, huyện đảo Phú Quốc trở thành điểm đến thu hút của ngành du lịch và nhiều ông lớn bất động sản.
Không phủ nhận được rằng quỹ đất mà các công ty của bầu Hiển mở rộng thêm có nhiều tiềm năng. Nhưng mạnh tay chi tiền cho những khoản đầu tư tài chính lớn đòi hỏi năng lực tài chính và khả năng huy động vốn.