|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội làm gì để giảm thiểu ô nhiễm không khí?

08:22 | 23/11/2024
Chia sẻ
Với mục tiêu 75-80% số ngày trong năm chất lượng không khí tốt và trung bình, Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp, mới nhất là xây dựng vùng phát thải thấp.

Xác định các nguồn gây ô nhiễm không khí chính gồm phát thải từ hoạt động giao thông đường bộ (khí thải phương tiện, bụi đường), công nghiệp và nguồn đốt phụ phẩm nông nghiệp, 5 năm qua Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp.

Tháng 10/2019, thành phố bắt đầu thay thế, loại bỏ bếp than tổ ong trong sinh hoạt, dịch vụ. Tháng 9/2020, thành phố ra chỉ thị tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác.

Với quy mô dân số hơn 8 triệu, mật độ 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với trung bình cả nước, số phương tiện giao thông đặc biệt lớn (1,1 triệu ôtô, 6,9 triệu xe máy), tháng 7/2021 thành phố đã ban hành kế hoạch đo kiểm khí thải môtô, xe gắn máy cũ làm cơ sở đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Thành phố cũng đã thông qua đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.

Tháng 3/2024, Hà Nội ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố đến năm 2030, định hướng đến 2035. Đây là lần đầu tiên Hà Nội ban hành kế hoạch tổng thể, đưa ra các mục tiêu cụ thể như 75-80% số ngày trong năm có chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình.

Đến năm 2030, nồng độ bụi PM 2.5 ở phần lớn trạm nội đô dưới mức 40 μg/Nm3 và dưới 35 μg/Nm3 đối với ngoại thành. Tổng phát thải bụi PM 2.5 giảm khoảng 6.200 tấn, tương đương với 20% so với năm 2019.

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp.

Trung tâm Hà Nội mịt mù trong ngày ô nhiễm không khí giữa tháng 11/2024. (Ảnh: Phạm Chiểu).

Kiểm soát nguồn phát thải

Xác định giao thông đường bộ là nguồn thải lớn nhất (chiếm hơn 56%), sau khi Luật Thủ đô được thông qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xây dựng đề án khu vực phát thải thấp (LEZ), dự kiến trình HĐND thành phố vào tháng 12/2024 và thực hiện từ năm 2025.

Theo đó, giai đoạn 2025-2030, thành phố sẽ lựa chọn một khu vực ở quận Hoàn Kiếm để thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở các quận huyện. Quận Hoàn Kiếm dự kiến áp dụng vùng phát thải thấp ở khu vực Hồ Gươm, vùng phụ cận và phố cổ với tổng diện tích hơn 145 ha.

Vùng LEZ sẽ được áp dụng nhiều biện pháp hạn chế giao thông và kinh tế, trong đó cấm lưu thông xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên ôtô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2.

Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại vùng LEZ đạt 45-50%, 100 xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Những cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại vùng LEZ sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông.

Ông Nguyễn Minh Tấn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nói LEZ là công cụ hữu hiệu giúp thành phố cải thiện môi trường không khí. "Định hướng sẽ phân cấp để các quận, huyện lên kế hoạch, tổ chức thực hiện theo hai giải pháp quản lý hành chính và giải pháp kinh tế phù hợp với từng địa bàn. Mục tiêu là giảm thiểu phương tiện cá nhân, thay thế bằng phương tiện công cộng theo lộ trình hợp lý", ông Tấn nói.

Để giảm ùn tắc giao thông cũng là giảm ô nhiễm do khói xe, hai năm nay thành phố tổ chức 4 tổ liên ngành do Sở Giao thông Vận tải làm cơ quan thường trực để tổ chức điều tiết phân luồng, xóa điểm ùn tắc; thiết kế làn đường dành riêng cho xe đạp.

Hiện Hà Nội đã thí điểm tuyến đường cho xe đạp trên đường ven sông Tô Lịch (đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở) và chuẩn bị triển khai đường xe đạp bao quanh công viên Hòa Bình, quận Bắc Từ Liêm.

Thành phố cũng mới ban hành đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Dự kiến đến năm 2035, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Nhằm hạn chế bụi đường, Hà Nội cũng đang xây dựng gói thầu liên quan đến vệ sinh môi trường theo hướng phân cấp cho các quận, huyện tăng cường việc tưới nước rửa đường, đặc biệt là vào mùa khô.

Đối với ngành công nghiệp đang đóng góp 22% phát thải gây ô nhiễm, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết thành phố sẽ khuyến khích tăng cường sử dụng vật liệu sạch, áp dụng sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững, phát triển năng lượng tái tạo. Nông nghiệp sẽ giảm nguồn thải amoniac, các hợp chất hữu cơ bằng phương pháp canh tác bền vững.

Cây xanh ở đại lộ Thăng Long. (Ảnh: Ngọc Thành).

Hoàn thiện hệ thống quan trắc chất lượng không khí

Hà Nội hiện có hai trạm quan trắc không khí tự động, liên tục và 6 trạm cảm biến đang hoạt động, 28 trạm cảm biến đang bảo dưỡng do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Ngoài ra, còn có 4 trạm do Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trạm do Đại sứ quán Mỹ quản lý. Thành phố cũng đang tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động, liên tục từ 4 cơ sở phát sinh khí thải lớn gồm Giấy Vạn Điểm, Năng lượng môi trường Thiên Ý, Thép Gia Trung và Xi măng Sài Sơn.

Các thông số quan trắc chất lượng không khí gồm PM2.5, PM10, SO2, CO, NO2, O3 và thông số khí tượng như nhiệt độ, độ ẩm, áp suất khí quyển, hướng gió, tốc độ gió, lượng mưa và bức xạ mặt trời. Những số liệu quan trắc và chỉ số chất lượng không khí đang được thông tin tới người dân, cộng đồng qua các trang web moitruongthudo.vn, cem.gov.vn.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá các trạm quan trắc hiện chỉ tập trung ở một số khu vực nội thành, chưa phủ hết 30 quận huyện, vận hành chưa ổn định, số liệu thu thập chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến công tác đánh giá chất lượng không khí ở Hà Nội. Vì thế thành phố đang rà soát, xem xét đầu tư hệ thống trạm quan trắc không khí tự động, liên tục theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Tăng mảng xanh

Giai đoạn 2021-2025, thực hiện Chương trình số 03 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu trồng mới 500.000 cây xanh đô thị, cải tạo nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có; hoàn thành đầu tư 5 công viên.

Thống kê của thành phố, từ năm 2021 đến nay thành phố đã trồng mới hơn 133.000 cây bóng mát, 100.000 cây cảnh và 550.000 cây mảng, thảm cỏ. Riêng năm 2023, diện tích rừng trồng mới đạt 47 ha, nâng tổng diện tích rừng toàn thành phố lên gần 18.600 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 6%.

Hà Nội hiện có khoảng 1,8 triệu cây xanh đô thị, chủ yếu là xà cừ, sấu, phượng, muồng, bằng lăng, giáng hương, bàng, chiêu liêu. Riêng giai đoạn 2016-2020, khoảng 1,6 triệu cây được trồng mới. Dù có nhiều cố gắng, tỷ lệ cây xanh đô thị vẫn thấp, hiện mới đạt khoảng 2 m2/người, trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt tối thiểu 6-7 m2/người.

Kinh nghiệm từ Bangkok, Bắc Kinh và Seoul

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, PGS.TS Nguyễn Đức Lượng, Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng Hà Nội nên tham khảo kinh nghiệm của Bangkok, nơi có điều kiện tương đồng. Bangkok đã thể hiện cam kết mạnh mẽ bằng cách thành lập Ủy ban Phòng ngừa giải quyết ô nhiễm không khí do thống đốc làm chủ tịch. Ủy ban này có vai trò giám sát việc thực hiện các giải pháp ngắn hạn và dài hạn về kiểm soát chất lượng không khí.

Bangkok cũng thành lập trung tâm điều phối, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí để trong trường hợp phát hiện ô nhiễm sẽ thông báo cho chính quyền các quận biết, từ đó có hành động cụ thể.

Đốt rơm rạ sau khi gặt lúa ở ngoại thành Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Thành).

Để kiểm soát nguồn phát thải từ ôtô, xe máy, Bangkok tập trung thúc đẩy sử dụng xe điện, những phương tiện sử dụng dầu diesel hơn 20 năm sẽ thay thế bằng xe điện. Phương tiện của các cơ quan nhà nước được thay thế đầu tiên để làm gương cho cộng đồng. Từ năm 2022, Bangkok bắt đầu áp dụng vùng LEZ ở một quận thuộc nhóm ô nhiễm không khí nhất, từ đó nhân rộng.

Bắc Kinh từng có thời điểm nằm trong nhóm ô nhiễm không khí nhất thế giới. Do xác định giao thông là nguồn phát thải chính, thành phố đã thực hiện các giải pháp kết hợp như: Kiểm soát phương tiện mới, phương tiện đang sử dụng, sử dụng nhiên liệu thay thế có chất lượng tốt. Từ năm 2017, Bắc Kinh đã thực hiện vùng LEZ và đang bắt đầu nhân rộng.

Thủ đô Seoul đã áp dụng cơ chế phạt vi phạm đối với các phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải đi vào LEZ. Kết quả cho thấy nồng độ NO2 đã giảm khoảng 20%, PM10 giảm 15%. Về lợi kích kinh tế, thành phố đã tiết kiệm được khoảng 320 triệu USD về chi phí y tế mỗi năm.

Võ Hải - Gia Chính