Hà Nội dự kiến thành lập các sở mới trước 20/2
Sở Nội vụ cũng được giao hoàn thiện hồ sơ quy định lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy đối với các sở, đơn vị mới sau khi được HĐND thành phố thông qua và các sở giữ nguyên, nhưng quy định lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong.
Hồ sơ sẽ được Sở Tư pháp thẩm định và báo cáo sau kỳ họp HĐND thành phố, dự kiến tổ chức ngày 18/2.
Trước đó Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi Thường trực Thành ủy xin chủ trương điều chỉnh phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các sở thuộc khối chính quyền.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/09/crawl-20250209194711656.jpg)
Cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Giang Huy).
Theo đó, UBND thành phố kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy đối với 13 sở gồm: Nội vụ; Tư pháp; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa Thể thao; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Thanh tra thành phố; Văn phòng UBND thành phố; Dân tộc và Tôn giáo; Du lịch.
Thành phố điều chỉnh phương án sắp xếp so với dự thảo cũ ba sở là Xây dựng, Giao thông Vận tải và Quy hoạch Kiến trúc. Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải hợp nhất với Sở Xây dựng, lấy tên gọi là Sở Xây dựng; Sở Quy hoạch - Kiến trúc giữ nguyên mô hình như hiện nay.
9 phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã, kiện toàn sắp xếp gồm: Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; Thanh tra quận, huyện, thị xã; Phòng Tư pháp; Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Nông nghiệp và Môi trường (ở các quận là Phòng Tài nguyên và Môi trường); Phòng Nội vụ; Phòng Y tế; Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Hai Phòng Công thương và Phòng Quản lý đô thị được điều chỉnh như sau: Hợp nhất Phòng Công Thương (Phòng Kinh tế cũ sau khi chuyển một số chức năng về Phòng Tài nguyên và Môi trường ở khối quận và Phòng Nông nghiệp và Môi trường ở khối huyện) và Phòng Quản lý đô thị thành Phòng Kinh tế Hạ tầng và Đô thị theo đúng định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ.
Trong dự thảo sắp xếp trước đó, Hà Nội từng đề xuất giữ lại một số sở có yếu tố đặc thù như Sở Giao thông Vận tải, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Du lịch, Ngoại vụ.
Tuy nhiên, dự thảo lần này chỉ còn sở Quy hoạch - Kiến trúc, Du lịch giữ nguyên, hai Sở Giao thông Vận tải và Xây dựng hợp nhất với nhau, Sở Ngoại vụ nhập vào văn phòng UBND thành phố.
Để tạo sự đồng thuận và ổn định, hiệu quả sau sắp xếp, Hà Nội yêu cầu các đơn vị làm tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là những người bị tác động, ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy, phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích chung, hy sinh lợi ích cá nhân (nếu có). Thành phố cũng giao Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ thêm đối với các trường hợp ảnh hưởng do sắp xếp bộ máy.
Kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ diễn ra từ 12 đến 18/2, một trong số nội dung Quốc hội sẽ quyết định là thông qua cơ cấu, tổ chức bộ máy, số lượng thành viên Chính phủ khóa 15.
Ngay khi kỳ họp kết thúc, HĐND TP Hà Nội sẽ họp sẽ xem xét thông qua cơ cấu bộ máy chính quyền thành phố. Hiện Hà Nội chưa thông tin về số lượng công chức viên chức người lao động dự kiến được tinh giản sau sắp xếp và trường hợp cán bộ lãnh đạo xin nghỉ hưu, nghỉ việc trước tuổi.