|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hà Nội dẫn đầu về phát triển nhà ở xã hội

07:46 | 28/10/2019
Chia sẻ
Với việc đã hoàn thành hơn 300.000 m 2 sàn nhà ở xã hội và góp hơn 2.000 tỉ đồng nộp ngân sách cho quỹ hỗ trợ, đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thành phố Hà Nội hiện đứng đầu cả nước trong hoạt động phát triển nhà ở xã hội, theo báo cáo từ Bộ Xây dựng.
Hà Nội dẫn đầu về phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Khu nhà ở xã hội Ecohome 1 là một trong những dự án nhà ở xã hội tiêu biểu của Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, từ đầu năm 2019, thành phố Hà Nội đã có quỹ hỗ trợ, đầu tư phát triển nhà ở xã hội từ nguồn thu tương đương giá trị 20%, 25% quỹ đất ở tại các dự án nhà ở thương mại thực hiện theo trách nhiệm phát triển nhà ở xã hội bằng phương thức nộp tiền. Đến nay, đã có hơn 2.000 tỉ đồng nộp ngân sách.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, thành phố đã hoàn thành hơn 300.000 m2 sàn, chiếm hơn 70% quỹ nhà ở xã hội xây dựng mới của cả nước. Có được kết quả trên là nhờ lãnh đạo thành phố quyết liệt trong chỉ đạo các sở, ngành kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Từ dự án khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp Đặng Xá (huyện Gia Lâm), đến nay nhiều dự án nhà ở xã hội đã hình thành: Nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm (quận Hoàng Mai), Khu nhà ở thu nhập thấp Tây Mỗ, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm)...

Ngoài ra, một số dự án khu nhà ở xã hội cũng đã được khởi công tại ô đất CT3, CT4 thuộc Khu đô thị mới Kim Chung (huyện Đông Anh), dự án ở Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh)... 

Các dự án này sẽ tạo lập thêm quỹ nhà ở và trong khoảng 2 năm tới, quỹ nhà ở xã hội của thành phố cơ bản sẽ giải quyết được một phần lớn nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, nhu cầu nhà ở xã hội tại khu vực đô thị cần đến 12,5 triệu m2 sàn. Song đến nay, cộng các dự án đã hoàn thành và đang triển khai, mới đạt 3,92 triệu m2, bằng 31% kế hoạch. Trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 phát triển khoảng 5,2 triệu m2 sàn.

Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã hoàn thành gần 1 triệu m2 sàn, cộng thêm các dự án đang triển khai có khả năng hoàn thành đến năm 2020, tổng diện tích sàn nhà ở xã hội của thành phố đạt hơn 3,4 triệu m2

Như vậy, từ nay đến năm 2020, thành phố cần bổ sung khoảng 1,7 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Để hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết: Thành phố đã, đang chỉ đạo các sở, ngành đôn đốc chủ đầu tư tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án có khả năng hoàn thành đến năm 2020.

Đối với khoảng 1,7 triệu m2 sàn nhà ở xã hội còn thiếu so với kế hoạch, thành phố yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp: Đẩy nhanh tiến độ triển khai lập dự án 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc; xác định cụ thể quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các vị trí thuận lợi giải phóng mặt bằng trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở ngay từ khâu phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500... 

Trong đó, trước mắt tập trung triển khai ngay các dự án nhà ở xã hội tại 19 khu đất đã giải phóng mặt bằng xong...

Bên cạnh đó, thành phố ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn tiền thu từ quỹ 20 - 25% nêu trên để đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, để giải quyết các khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, điều quan trọng hơn cả là nhà nước cần khơi thông nguồn vốn cho thị trường.

Trong một sự diễn tiến khác, Sở Xây dựng Hà Nội vừa yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp nhà đất không đủ kiện về mặt bằng xây dựng, "siêu mỏng, siêu méo" được xây dựng khi thực hiện mở đường theo hoạch trên địa bàn thành phố.

Trong văn bản gửi UBND quận, huyện, thị xã về xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, Sở Xây dựng đề nghị, đối với UBND các quận còn tồn tại các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" chưa được xử lý, Chủ tịch UBND các quận tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phòng ban chức năng thống kê, rà soát các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo'' phát sinh trên các tuyến Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3 và các tuyến mới mở đang triển khai thực hiện trên địa bàn.

Các quận huyện phải phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng trong việc phá dỡ toàn bộ, bộ phận kiến trúc công trình đã được đền bù, bao gồm cả phần công trình còn lại nằm ngoài chỉ giới để không phát sinh công trình "siêu mỏng, siêu méo''. 

Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh các trường hợp công trình "siêu mỏng, siêu méo" trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.

Ngọc Ánh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.