Hà Đô lên kế hoạch lợi nhuận giảm 29% trong năm 2023
CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) vừa công bố lịch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 được tổ chức vào sáng ngày 22/4 tại Hà Nội.
Tại đại hội, HĐQT Hà Đô sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất đạt 3.225 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 971 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 10% và 29% so với kết quả đạt được trong năm 2022.
Ngoài ra, HĐQT công ty sẽ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 và kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023.
Cụ thể, Hà Đô có phương án trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (lũy kế đến cuối năm ngoái hơn 1.391 tỷ đồng). Năm 2023, doanh nghiệp dự kiến tỷ lệ chi trả cổ tức là 20% vốn điều lệ.
Cũng tại địa hội lần này, HĐQT công ty trình cổ đông tiếp tục triển khai chương trình chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trong năm 2023, chương trình đã được phê duyệt ngày 4/11/2021. Nguyên nhân là do năm 2022, HĐQT chưa lựa chọn được thời điểm phù hợp để triển khai việc phát hành cổ phiếu.
Theo kế hoạch đã được thông qua trước đó, Hà Đô dự kiến chào bán cổ phiếu ESOP theo tỷ lệ tối đa không vượt quá 1% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm phát hành. Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.
Đối tượng phát hành là thành viên HĐQT, ban Tổng Giám đốc và các cán bộ nhân viên khác theo quyết định tại thời điểm phát hành. Số cổ phiếu ESOP mới này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.
Thông tin từ Ban lãnh đạo Hà Đô, năm 2022 là một năm tiếp tục khó khăn của công ty do thủ tục pháp lý các dự án bị vướng mắc nên thiếu nguồn việc gối đầu, không triển khai thi công tác hầu hết các doanh nghiệp dự án.
Năm vừa qua, công ty tập trung đẩy mạnh triển khai thi công dự án An Thượng, hoàn thành toàn bộ phần xây thô và hoàn thiện mặt ngoài của hơn 500 sản phẩm dự án, giúp sản lượng đầu tư tăng trưởng 48% so với năm 2021.
Về chỉ tiêu thu hồi vốn, cả năm 2022 doanh nghiệp hoàn thành 34% so kế hoạch, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2021 chủ yếu do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, công ty chưa bán được số sản phẩm còn lại của dự án Hado Charm Villas.
Cũng trong năm qua, Tập đoàn đã phát triển các dự án mới ra các tỉnh Thái Bình và Bình Dương,…
Với mảng năng lượng, Hà Đô cho biết, năm 2022, Quy hoạch điện VIII chưa được duyệt và chưa có cơ chế cụ thể về mức giá đầu ra cho các dự án năng lượng tái tạo nên công ty chưa triển khai đầu tư thêm dự án mới. Tuy nhiên, công ty đã đưa vào vận hành dự án thủy điện trọng điểm Đăk Mi 2 (147 MW) nâng tổng công suất thủy điện của Công ty lên 314MW, đóng góp thêm 652 tỷ đồng cho doanh thu năm 2022.
Với điều kiện thủy văn thuận lợi, các nhà máy thủy điện còn lại gồm: ZaHung, Nhạn Hạc, Nậm Pông, Sông Tranh 4 đã vận hành ổn định, mang lại doanh thu 910 tỷ đồng (sản lượng điện đạt 146% kế hoạch, doanh thu đạt 138% kế hoạch) trong năm 2022.
Về định hướng kinh doanh năm 2023, đối với lĩnh vực bất động sản, Hà Đô cho biết sẽ đẩy mạnh hoá giải các tồn tại thủ tục pháp lý tại các dự án, phát triển mạnh các dự án mới chống đứt gãy chuỗi sản phẩm và việc làm. Tập trung nghiên cứu các vùng có định hướng phát triển của Hà Nội và TP HCM với mục tiêu dự kiến phát triển thành công tối thiểu hai dự án.
Đối với lĩnh vực năng lượng, tập trung công tác bổ sung quy hoạch và chuẩn bị đầu tư cho các dự án điện gió, đặc biệt là các dự án EaHleo, Phước Hữu,… để sớm có dự án mới được triển khai. Dành nguồn lực ưu tiên tìm kiếm phát triển thêm các năng lượng tái tạo trên địa bàn các tỉnh như Ninh Thuận, Đắk Lắk, Nghệ An, Lạng Sơn, Khánh Hoà.