|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Gương mặt cũ' sẽ cứu TTF lần 2?

21:44 | 26/05/2017
Chia sẻ
CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) vừa công bố thông tin về kế hoạch sẽ tăng vốn điều lệ vào nửa cuối năm 2017 để tái cấu trúc tài chính toàn diện và bổ sung một phần vào vốn lưu động, nhằm đẩy nhanh sự hồi phục của Công ty. TTF chưa công bố phương án phát hành cụ thể, song thị trường dự đoán, TTF sẽ phát hành riêng lẻ và cổ đông chiến lược vẫn là “gương mặt cũ”.
guong mat cu se cuu ttf lan 2
Một lần nữa đứng trước khó khăn, TTF buộc phải tính đến phát hành cổ phần để tìm "mạnh thường quân" cứu giúp

Theo thông báo, TTF đang tiến hành các giải pháp cải tiến mạnh mẽ về hiệu quả tổ chức hệ thống sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, giảm thiếu tối đa chi phí phát sinh; đầu tư thêm máy móc thiết bị để đẩy mạnh doanh thu dựa trên các đơn hàng sẵn có từ khách hàng chiến lược trong vòng 5 năm tới.

Đây là thông tin tích cực cho TTF trước những biến cố xảy ra trước đó. Với kế hoạch này, khả năng mục tiêu của TTF trước mắt sẽ tập trung vào “quy mô doanh thu”, chứ chưa đặt nặng “chỉ tiêu lợi nhuận”.

Tính đến cuối tháng 1/2017, vốn điều lệ của TTF là 1.446 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 115 tỷ đồng do lỗ lũy kế hơn 1.432 tỷ đồng; giá trị sổ sách ước tính khoảng 941 đồng/CP.

Theo quy định, doanh nghiệp được phát hành chứng khoán dưới 2 hình thức là chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng. Trong đó, điều kiện để chào bán ra công chúng là năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi và không có lỗ lũy kế (năm 2016, (năm 2016, TTF ghi nhận lỗ 1.271 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 1.432 tỷ đồng).

Do đó, “cửa” phát hành đại chúng của TTF đã đóng lại và chỉ còn khả năng phát hành riêng lẻ. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, việc tìm kiếm một đối tác chiến lược để phát hành cổ phiếu, dù khó như tìm đường “lên trời”, nhưng vẫn có tính khả thi hơn so với việc chào bán ra đại chúng.

Nhớ lại câu chuyện năm 2012-2013, đứng trước “cửa tử” khi 13 ngân hàng không đồng ý gia hạn nợ, TTF đã buộc phải phát hành cổ phần dưới mệnh giá, sự kiện chưa có tiền lệ trên TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, TTF vẫn đang là doanh nghiệp kinh doanh có lãi, năm 2012 là 2,5 tỷ đồng, vốn điều lệ 687 tỷ đồng và không có lỗ lũy kế, giá trị sổ sách ước tính hơn 17.000 đồng/CP. Như vậy, sau hơn 3 năm tái cơ cấu nợ vay, TTF đang thụt lùi.

Đến thời điểm hiện tại, một lần nữa đứng trước “cửa tử”, TTF buộc phải tính đến phương án phát hành thêm cổ phần để mong tìm một “mạnh thường quân” rót thêm nguồn lực tài chính cho “được sống”. Vấn đề đặt ra là ai, tổ chức nào đủ “dũng cảm” làm cổ đông chiến lược của TTF trong hoàn cảnh hiện nay?

Theo thông tin lan truyền trên thị trường, Ngân hàng Việt Á (VietABank) có thể sẽ là một trong những ứng viên tham gia đợt tái cơ cấu này của TTF. Được biết, trước khi thoái vốn trong năm 2015, VietABank từng nắm giữ 3,91% vốn của TTF.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo TTF cho biết, hiện Công ty chưa thể chia sẻ thông tin gì, mọi việc cần chờ thêm thời gian, sớm nhất là tháng 6 tới.

Trong quá khứ, vào cuối tháng 10/2014, ông Võ Trường Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT TTF cho biết, Công ty nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của VietABank khi cung cấp đầy đủ nguồn vốn cho tất cả các đơn hàng.

Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, khi TTF bị “ế” 38 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành 40 triệu cổ phiếu năm 2015, trong số thành viên HĐQT của TTF khi đó vẫn còn đại diện của VietABank (dù đã thoái vốn) đã đề nghị mua lại số cổ phiếu này. Nhưng do không thống nhất được mức giá, nên HĐQT TTF đã ra nghị quyết phân phối số cổ phiếu ế này cho các nhà đầu tư bên ngoài là các cá nhân, tổ chức với giá không thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng/CP). Ngoài ra, tính đến 31/12/2016, chủ nợ lớn nhất của TTF cũng là VietABank, với dư nợ hơn 653 tỷ đồng.

Với những thông tin trên, những đồn đoán xung quanh việc VietABank sẽ trở lại “cứu giá” không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Mặt khác, cũng không ngoại trừ trường hợp, các cổ đông lớn hiện tại của TTF sẽ có những biện pháp hỗ trợ trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược mới cho Công ty.

Nếu đợt phát hành tới đây thành công, TTF sẽ có được dòng tiền để thực hiện hoạt động sản xuất kinh-doanh, cũng như tái cơ cấu tài chính Công ty.

So với thời điểm 4 năm về trước, TTF có điểm tích cực hơn, đó là hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc trị giá đến 16.000 tỷ đồng trong thời gian 5 năm với Tập đoàn Vingroup. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để vượt qua thách thức sống còn với Ban điều hành mới của TTF. Công việc giải cứu doanh nghiệp này không đơn giản và cần nhiều thời gian mới mong vực dậy được và trở lại thời hoàng kim.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phan Hằng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.