|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

GSM toan tính gì khi muốn tung vào thị trường 90.000 tài xế xe hai bánh?

07:26 | 02/11/2023
Chia sẻ
GSM muốn có 90.000 tài xế xe hai bánh vào cuối năm nay.

Tháng 8, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) ra mắt dịch vụ gọi xe hai bánh bằng xe máy điện tại Hà Nội. Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đặt mục tiêu sẽ sẽ phủ sóng tại 5 tỉnh, thành với số lượng 60.000 chiếc trong năm nay.

Sau một tháng vận hành thử nghiệm tại Hà Nội, Xanh SM Bike đạt gần 1 triệu lượt khách. Đây là một trong những cơ sở để GSM nâng mục tiêu đội xe từ 60.000 lên 90.000 tài xế. Thông tin được công bố trong ngày ra mắt dịch vụ này tại TP HCM vào tháng 9.

“Đây là một con số quá tham vọng” - một người hoạt động trong ngành gọi xe công nghệ ở Việt Nam nhận xét về mục tiêu của GSM.

 Tài xế Xanh SM Bike. (Ảnh: Xanh SM).

Thực tế, nếu nhìn vào những đối thủ đang hiện diện trên thị trường, Gojek phải mất gần 6 năm để phát triển đội xe khoảng 200.000 tài xế. Con số này ở Be Group gần 300.000 tài xế sau 5 năm.

Đội xe của các hãng thường tính cả hai bánh và 4 bánh, nhưng chiếm phần lớn vẫn là xe hai bánh. Nếu như vậy, rõ ràng mục tiêu của GSM đang vượt ra khỏi quy chuẩn thông thường.

Cũng cần nói thêm, tăng trưởng “thần tốc” với quy mô lớn trong các game kinh doanh có lẽ vốn là khẩu vị của Vingroup. 

Chẳng hạn với mảng bán lẻ VinMart (nay là WinMart) trước đó, công ty đã mở mới 238 cửa hàng bán lẻ VinMart+ trong tháng cuối cùng của năm 2018, đặc biệt có tới 117 cửa hàng mở cửa chỉ trong một ngày - một con số mà nhiều nhà bán lẻ khác sẽ lấy làm mục tiêu trong một năm hoặc lâu hơn nữa.

Hay như với VinFast, bắt đầu sản xuất xe từ năm 2018, hai năm sau công ty đã chuyển đổi hoàn toàn sang hãng xe thuần điện với dải sản phẩm hoàn chỉnh trong mọi phân khúc, đặt mục tiêu doanh số 50.000 chiếc/năm.

Rõ ràng với truyền thống “đánh nhanh thắng nhanh”, GSM dù không thuộc Vingroup nhưng dưới bàn tay điều hành của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cũng sẽ chịu “âm hưởng” trong chiến lược kinh doanh tương tự.

Tuy nhiên, chiến lược này của GSM lại đang vấp phải một số rào cản. 

Thứ nhất, theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường gọi xe tại Việt Nam dự kiến tăng từ 0,96 tỷ USD trong năm nay lên 2,61 tỷ USD vào năm 2028. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 22%.

Nhìn vào con số này có thể thấy dung lượng thị trường vẫn lớn. Nhưng sau nhiều năm cạnh tranh khốc liệt và sôi động, đến nay thị trường này gần như ổn định với thị phần chia lần lượt cho ba cái tên, gồm: Grab, Be Group và Gojek. Do đó, cơ hội cho một hãng đến sau như GSM tưởng chừng như rất mỏng. 

Thứ hai, sự tăng trưởng nóng của thị trường gọi xe trong thời gian qua tại Việt Nam đã dẫn tới tình trạng dư thừa tài xế, theo tờ South China Morning Post. Tờ báo này phản ánh thu nhập của tài xế đã sụt giảm so với thời gian trước. 

Trung bình, một tài xế công nghệ ở Việt Nam đang kiếm được 4,91 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí, theo Sala Explorer. Con số này cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu 4,68 triệu đồng/tháng.

 Một tài xế Grab ở Việt Nam. (Ảnh: Đức Huy).

Như vậy, câu hỏi đặt ra cho GSM là công ty sẽ làm gì với số lượng tài xế “khủng” như vậy, khi hiện tại họ chỉ cung cấp duy nhất dịch vụ gọi xe (hai bánh và taxi điện). Và với 90.000 tài xế, GSM sẽ tuyển dụng nhân sự như thế nào để đạt được mục tiêu này, trong bối cảnh dư thừa tài xế và đảm bảo được thu nhập cho người lao động?

Theo tìm hiểu của người viết, GSM sẽ không dừng lại ở dịch vụ gọi xe. Trong thời gian tới, dịch vụ giao hàng cũng sẽ được mở, và Hà Nội là thị trường đầu tiên triển khai. Tức GSM sẽ có các dịch vụ tương tự và cạnh tranh ngang hàng với các mảng kinh doanh chính của Grab, Gojek.

Tiếp đến, Xanh SM Bike đang mở rộng dịch vụ bên ngoài Hà Nội và TP HCM. Đội quân áo xanh đã có mặt tại Đà Nẵng và dự kiến sẽ mở thêm ở các tỉnh thành có nhu cầu cao khác. 

Về vấn đề tuyển dụng,CEO GSM Nguyễn Văn Thanh từng chia sẻ dịch vụ Bike của hãng sẽ không chỉ thu hút tài xế mới hoàn toàn mà hướng tới việc thu hút người từ các nền tảng đối thủ sang chạy cho Xanh SM. “Tổng số lượng tài xế có thể không tăng lên nhiều nhưng sẽ có sự dịch chuyển từ các ứng dụng khác”, CEO GSM nói.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu 90.000 tài xế, GSM đưa ra những chính sách thu hút như người lao động không phải dùng xe cá nhân, khi cọc 4 triệu đồng ban đầu tài xế sẽ được công ty cấp xe máy điện, thu nhập tương đương hoặc tốt hơn,…

Ngoài cấp xe, đáng kể nhất là mức chiết khấu 15,5% của Xanh SM Bike. Đây là phí sử dụng dịch vụ mà tài xế phải trả cho nền tảng, được tính trên tổng thu trên mỗi cuốc xe thực hiện thành công, chưa bao gồm các khoản thuế theo nghĩa vụ.

Mức chiết khấu này đang thấp nhất so với các nền tảng gọi xe tại Việt Nam. Chẳng hạn với Grab, theo doanh thu chia sẻ thì mức chiết khấu với xe máy là 20% và từ 20% đến 25% đối với ô tô. Con số này cũng tương tự ở Gojek, trong khi Be Group có mức chiết khấu trung bình cho cả hai loại phương tiện là hơn 25%. 

Có thể thấy GSM đang tận dụng lợi thế của mình, từ sự hậu thuẫn của ông chủ VinFast để trang bị đội xe thuần điện ngay từ đầu tới mức chiết khấu thấp nhất thị trường để “lôi kéo” tài xế từ nền tảng đối thủ, tăng nhanh quy mô hoạt động.

Ngoài ra, chưa tính đến việc các đối thủ phải tốn nhiều chi phí và nhiều năm trong quá khứ để educate thị trường, và người đến sau như GSM không phải chi quá nhiều cho khoản mục này.

Với sự tham gia mới của GSM, dự báo bức tranh thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam sẽ còn thay đổi trong thời gian tới, với sự cạnh tranh sôi động hơn.

Như những bài phân tích trước của chúng tôi, các chuyên gia và các biên tập viên đều nhìn nhận GSM là chiến lược của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhằm gia tăng doanh số cho VinFast. Trong hai quý gần đây, theo Reuters, gần 2/3 doanh số VinFast là bán ô tô cho GSM.

Về phía xe máy điện, trong quý III vừa qua hãng xe này cũng chứng kiến đà tăng tới 177% lên 28.220 chiếc, so với quý II trước đó và tăng 113% so với cùng kỳ năm ngoái. Chưa rõ con số này bao nhiêu phần trăm được hỗ trợ bởi đội xe Xanh SM Bike.

Đức Huy