GS. Trần Văn Thọ: Nhà cố vấn kinh tế cho cả hai Chính phủ Việt - Nhật và nỗi niềm mang tên 'Việt Nam chưa giàu đã già'
Mới đây, Giáo sư Trần Văn Thọ và người bạn cùng sinh sống và làm việc tại Nhật là Giáo sư Trần Ngọc Phúc đã đề xuất với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những giải pháp chuẩn bị cần thiết để ứng phó với nguy cơ quá tải hệ thống y tế trước kịch bản dịch COVID-19.
Theo đề xuất của vị Giáo sư, trước mắt Việt Nam cần sản xuất 2.000 chiếc, sẽ tăng lên 10.000 trong vòng 3 tháng tới để bổ sung cho số thiếu hụt hiện tại và một số lượng dự phòng.
Trong thư trả lời báo chí, Giáo sư Trần Văn Thọ cho hay, kế hoạch này được hiện thực hóa sau khi ông được Giáo sư Trần Ngọc Phúc đồng ý chuyển giao công nghệ này về Việt Nam.
Trong bối cảnh đất nước đang gồng mình đứng trước đại dịch COVID-19, "những tấm lòng cao cả" hai vị giáo sư người Việt thành công lớn ở nước ngoài đã được nhiều người chia sẻ, cảm kích.
Giáo sư Trần Văn Thọ
Sinh năm 1949 tại Quảng Nam, sau khi tốt nghiệp trung học tại Hội An (Quảng Nam), ông Thọ sang Nhật du học từ năm 1968 theo chương trình học bổng của chính phủ Nhật.
Năm 1993, ông lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo. Ông ở lại Nhật và vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản; trở thành Phó Giáo sư, rồi lên Giáo sư Đại học Obirin (Tokyo).
GS Trần Văn Thọ từng làm cố vấn cho nhiều cơ quan của Chính phủ đất nước mặt trời mọc như Viện nghiên cứu Đầu tư quốc tế và Phát triển kinh tế thuộc Ngân hàng Xuất nhập khẩu nhà nước, Viện nghiên cứu Tài chính và Phát triển kinh tế thuộc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Tại Nhật Bản, trên cương vị là thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản, Giáo sư Thọ đã đưa ra những đề xuất về chính sách kinh tế đối ngoại của Nhật Bản từ tầm nhìn Châu Á và toàn cầu.
Dù sinh sống và làm việc tại Nhật từ năm 1968, nhưng vị Giáo sư luôn hướng về Việt Nam. Với vai trò của một nhà kinh tế học, GS Trần Văn Thọ đã góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế khăng khít giữa Nhật Bản và Việt Nam hàng chục năm qua.
Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, với vai trò là nhà kinh tế học, giáo sư Trần Văn Thọ đã góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam trong 50 năm qua.
Giáo sư Thọ là người khởi xướng và vận động thành lập Trung tâm kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy giao lưu nghiên cứu giữa Việt Nam với Nhật Bản và các nước trong khu vực.
Ngoài ra, Giáo sư Trần Văn Thọ cũng thành lập Viện nghiên cứu tổng hợp về Việt Nam thuộc Đại học Waseda. Với vai trò là Viện trưởng, ông đã xây dựng nhiều dự án nghiên cứu liên quan đến hội nhập kinh tế Đông Á, phát triển khu vực Mekong,…và phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước Nhật – Việt.
Ông cũng thường xuyên tham dự và có các bài tham luận tại các hội thảo xây dựng chính sách phát triển kinh tế Việt Nam.
Năm 1993, ông được bổ nhiệm là thành viên của Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính thời kỳ Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Năm 2017, ông được mời làm thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ngoài những đóng góp to lớn cho sự phát triển hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam, các đề xuất về chiến lược công nghiệp hóa và chính sách kinh tế,...ông là người giới thiệu bằng tiếng Việt cho người dân Việt Nam về triết học kinh doanh của những doanh nhân người Nhật Bản và cách sống của những bậc vĩ nhân thời kỳ Minh Trị.
"Rất nhiều nghiên cứu về sự thành công của Nhật. Riêng tôi đã thử tìm một nguyên nhân tổng hợp nhất để có thể tham khảo được cho các nước đi sau Nhật. Tôi đã tìm ra một từ khóa để chỉ nguyên nhân tổng hợp đó. Đó là năng lực xã hội.
Đó là năng lực và tố chất của những nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và tầng lớp lao động. Mỗi nhân tố cấu thành phải có những tố chất nào để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Dĩ nhiên tố chất quan trọng của chính trị gia là năng lực lãnh đạo, của quan chức là năng lực quản lí hành chánh, của giới kinh doanh là tinh thần doanh nghiệp. Nhưng trong trường hợp Nhật Bản, không phải chỉ có các tố chất đó.
Tôi nghiệm thấy rằng tố chất chung nhất của chính trị gia, của quan chức, của nhà kinh doanh Nhật Bản là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phải là những người có văn hóa, có giáo dưỡng…", GS Trần Văn Thọ chia sẻ tại buổi Lễ kỷ niệm của Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 8/2018 nhân ngày ông được trao tặng huân chương Thụy Bảo của Thiên hoàng Nhật Bản.
Nỗi trăn trở mang tên "Việt Nam chưa giàu đã già"
Đằng sau những con số, dữ liệu phân tích, người đọc luôn thấy tình cảm sâu sắc của GS Trần Văn Thọ dành cho Việt Nam.
Trong đó, "Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam" - cuốn sách được GS Thọ cho ra đời cuối năm 2015, ngay tại thời điểm đất nước vừa trải qua những năm tháng đình đốn lạm phát, nợ xấu ngân hàng khiến nền kinh tế được cho là nhiều cơ hội tăng trưởng lâm cảnh kiệt quệ nhiều năm liền cũng thể hiện sự trăn trở của Ông đối với Việt Nam.
Trong cuốn sách này, Giáo sư Trần Văn Thọ đã chỉ ra những điểm nguy của kinh tế Việt Nam trong vòng 10 năm tới. Trong đó là hình ảnh của một Việt Nam chưa giàu đã già và chiếc bẫy thu nhập trung bình thấp.
Nhưng vì sao Việt Nam không phát triển nhanh khi có quá nhiều cơ hôi?
"Gần đây tôi khám phá ra một điểm mà tôi thấy thú vị là kinh tế Việt Nam hiện nay rất giống với đêm trước của thời đại phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Giữa thập niên 1950 dân số Nhật cũng khoảng 90 triệu, cơ cấu kinh tế về sản xuất, về xuất khẩu cũng như sự phân bổ lao động rất giống Việt Nam ngày nay.
Tôi rất mong Việt Nam sớm muộn cũng sẽ có một thời đại như thế", vị Giáo sư bày tỏ.
Trong bài viết được đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn và những ngày cuối cùng của năm Ất Mùi, Giáo Sư Trần Văn Thọ đã gợi lên nỗi lo của một đất nước nhiều tiềm năng bậc nhất, nhưng đang đứng trước nguy cơ tụt hậu mang tên "Việt Nam chưa giàu đã già".
Năm 2018, "Việt Nam chưa giàu đã già" đã trở thành bài viết đánh động giới kinh tế trong nước qua bài viết có tiêu đề tương tự trên tờ The Economist.
Theo GS Thọ, quốc gia nào cũng trải qua giai đoạn dân số vàng trước khi chuyển sang giai đoạn lão hóa. Nếu bỏ lỡ cơ hội phát triển trong giai đoạn dân số vàng để đất nước giàu lên trước khi cơ cấu dân số thay đổi thì chắc chắn sẽ trực diện với bi kịch chưa giàu đã già, và cú sốc thời gian ở phương diện này sẽ rất nghiệt ngã.
"Đối với các nước đi sau, cơ hội để đốt giai đoạn, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước đi trước thường có nhiều. Công nghệ, tri thức kinh doanh, vốn đầu tư, kinh nghiệm phát triển, thị trường... đã có sẵn. Nhưng thành công hay thất bại trong việc sử dụng ngoại lực tùy thuộc chất lượng thể chế và bản lĩnh, tố chất của lãnh đạo", ông viết trên TBKTSG
Dẫn chứng cho lời cảnh báo này, vị Giáo sư cho biết, khi chấm dứt cơ cấu dân số vàng, thu nhập đầu người của Nhật Bản (năm 1992) là 30.000 đô la Mỹ (tính theo giá năm 2005), của Hàn Quốc (năm 2010) là 20.000 đô la Mỹ.
Còn thu nhập đầu người của Việt Nam vào năm 2025 là bao nhiêu?
Nếu mỗi năm, nền kinh tế tăng trưởng 8% thì năm 2025 thu nhập đầu người (theo giá năm 2005) chỉ độ 2.000 hoặc 3.000 đô la Mỹ (tùy theo tỉ giá), chỉ bằng 1/10 của Hàn Quốc hay Nhật Bản ở thời điểm tương ứng.
"Thời gian không còn nhiều. Lãnh đạo Việt Nam trong giai đoạn tới cần ý thức sâu sắc cú sốc của thời gian liên quan đến vị trí của đất nước trên vũ đài thế giới và về nguy cơ chưa giàu đã già", vị Giáo sư cảnh báo.