|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GS Hoàng Văn Cường: 'Chính sách tài khóa nên tiếp tục mở rộng nhưng hỗ trợ phải khác đi'

14:53 | 24/07/2024
Chia sẻ
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, chính sách tài khóa vẫn chưa nên thắt chặt mà tiếp tục mở rộng nhưng hỗ trợ sẽ phải khác đi. Phải tạo ra cạnh tranh trong cộng đồng doanh nghiệp, nghĩa là doanh nghiệp có năng lực, có khả năng vươn lên thì có thể tiếp cận được.

Trong 4 năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế đất nước rất khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội giảm gần 200.000 tỷ đồng/năm tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân và doanh doanh góp phần hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn trong ngắn hạn.

Riêng trong 6 tháng đầu năm, việc thực hiện chính sách này đạt khoảng 47.300 tỷ đồng. Dự kiến 6 tháng cuối năm có thể giảm thêm hơn 30.000 tỷ đồng.

Nhiều chính sách có thể hỗ trợ tăng GDP

Báo cáo Cập nhật Vĩ mô do Công ty Cổ phần Chứng khoán (Vietcap) vừa công bố đánh giá, trong nửa cuối năm, nhiều chính sách có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (GDP) trong nước.

Cụ thể, thực hiện cải cách tiền lương khu vực công tăng 30% lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7 với tổng nguồn vốn cho việc tăng lương cơ sở, thưởng, lương hưu và trợ cấp trong giai đoạn 2024 -  2026 là khoảng 906 nghìn tỷ đồng.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc cải cách tiền lương này có thể giúp GDP tăng thêm gần 0,4 điểm phần trăm trong năm nay và gần 0,3 điểm phần trăm vào năm 2025.

Bên cạnh đó, việc gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đến hết năm nay sẽ hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, đồng thời có thể giúp kiềm chế lạm phát.

Theo Vietcap, việc gia hạn giảm thuế VAT có thể giảm giá hàng hóa và dịch vụ và kích thích nhu cầu, giảm chi phí sản xuất, đồng thời doanh nghiệp cũng có thể hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa từ nhu cầu gia tăng, và giảm giá nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ và giúp kiềm chế lạm phát.

“Việc giảm thuế VAT có thể giúp tăng trưởng kinh tế thêm gần 0,2% nhờ tác động trực tiếp thông qua tiêu dùng cuối cùng và có ảnh hưởng lan tỏa lớn hơn”, Vietcap tính toán.

Ngoài hai chính sách nêu trên, còn có các chính sách khác hỗ trợ tăng GDP vừa được thông qua trong tháng 6 như Chính phủ cũng đã gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất thêm đến 6 tháng đến ngày 31/12 và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm đến 6 tháng đến ngày 20/11.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 43 tiếp tục giảm 10% đến 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí, áp dụng từ ngày 1/7 đến ngày 31/12. Bộ Tài chính đã đang đề xuất Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước từ ngày 1/8 đến ngày 31/1/2025.

Nên mở rộng chính sách hỗ trợ 

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nền kinh tế đều đang hoạt động dưới mức tiềm năng do có sự thu hẹp trong khu vực công; cầu tiêu dùng còn yếu cả trong và ngoài nước, tác động tới chi tiêu khu vực tư nhân và tăng trưởng xuất khẩu; tỷ giá rủi ro tăng trong nửa cuối năm được thúc đẩy rủi ro lạm phát và giảm động lực đầu tư khu vực tư nhân.

Vì vậy, trong ngắn hạn cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm chính sách tài khóa với sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ; tập trung đẩy mạnh hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công các tháng còn lại của năm.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Trong trung và dài hạn, cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng.

Trong đó, cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, hay có thêm các gói tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa các-bon, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh, công nghệ xanh, thân thiện môi trường...

Ngoài ra, cần nghiên cứu gia hạn một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thời kỳ COVID-19 cho giai đoạn 2024 - 2025; thúc đẩy tổng cầu trong nền kinh tế; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

"Cần xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân và kéo dài chính sách giảm VAT 2%. Trong trường hợp nếu tăng trưởng GDP năm 2024 không đạt mục tiêu, tổng cầu tiếp tục yếu hơn kỳ vọng có thể nghiên cứu kéo chính sách giảm VAT đến tháng 6/2025 và tăng mức giảm thuế VAT lên 3 - 4%", ông Việt gợi ý.

Cần bàn kỹ vì nguồn lực có hạn

Còn theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, việc Quốc hội và Chính phủ có nên tiếp tục mở rộng chính sách về giảm thuế trong năm tới là việc cần bàn kỹ.

Bởi dù đã phát huy được tác dụng trong thời gian dài, song chính sách hỗ trợ về thuế phí chỉ mang tính chất tức thời với một số đối tượng cần hỗ trợ, nếu cứ kéo dài cũng tạo ra sự không công bằng cho nhiều ngành nghề lĩnh vực khác.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội. (Nguồn: Nguyễn Ngọc). 

Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn khi cầu tiêu dùng trong nước đang giảm sút, còn cầu nước ngoài vẫn chưa phục hồi. Vì vậy, thời điểm hiện nay, chính sách tài khóa vẫn chưa nên thắt chặt mà tiếp tục mở rộng nhưng hỗ trợ sẽ phải khác đi.

Nghĩa là, các chính sách hỗ trợ tới đây, phải tạo ra cạnh tranh trong cộng đồng doanh nghiệp, nghĩa là doanh nghiệp có năng lực, có khả năng vươn lên thì có thể tiếp cận được; còn những doanh nghiệp đang yếu thì phải đổi hướng kinh doanh, tái cấu trúc để vươn lên, chứ không thể bám vào chính sách hỗ trợ để tồn tại lay lắt.

Đặc biệt, những xu thế mới cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tiêu dùng tuần hoàn thì cần tập trung hỗ trợ để doanh nghiệp có thể ứng dụng các công nghệ cao -  AI, từ đó mới thay đổi được cơ cấu nền kinh tế sản xuất manh mún, phân tán, công nghệ cấp thấp sang lĩnh vực mới có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất lao động.

“Trước đây, chúng ta làm gia công làm miệt mài nhưng tạo ra giá trị ít, nhưng nay nếu chuyển được sang lĩnh vực mới, một người lao động có thể tạo ra giá trị nhiều và năng suất lao động tăng. Đây chính là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung”, ông Cường nhấn mạnh.

Ngọc Bảo

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 07/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9.