|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

GS. Đặng Hùng Võ: Quản lý nhà ở xã hội không tốt dễ dẫn đến tham nhũng

16:50 | 13/12/2022
Chia sẻ
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nhà ở xã hội là vấn đề khó, nếu quản lý không tốt sẽ dễ dẫn đến những hình thức tham nhũng khác nhau mà mục tiêu chính không đạt được.

Đánh giá về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) (dự Luật sửa đổi), GS. Đặng Hùng Võ, Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng dự Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và có nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia.

Theo quan điểm của ông, đang có quá nhiều khoản trông chờ vào tiền thu từ đất gồm cả dự Luật sửa đổi, cần xem nó có đồng bộ với Luật Ngân sách không và ý kiến thu chi ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính.

Vấn đề vốn để phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa có giải pháp khả thi. Dự Luật sửa đổi chỉ nói chung là được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc ngân hàng được Nhà nước chỉ định, có những chỗ chỉ nói chung là được vay vốn ưu đãi. 

Trong khi đó, vốn ngân sách cho đầu tư công nước ta rất hạn chế, cũng khó có thể trông chờ vào gói tín dụng ưu đãi tiếp theo của Chính phủ.

Chính sách lấy đất của các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội cũng được thay thế bằng chính sách cho phép các dự án nhà ở xã hội sử dụng 20% quỹ đất để phát triển nhà ở thương mại.

Như vậy, không có gì thay đổi so với trước đây khi xác định quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội vẫn dựa vào quy hoạch và quyết định của UBND tỉnh.  

GS. Võ đề cập vấn đề lúc này là quy hoạch đã có đất cho nhà ở xã hội nhưng không được thực hiện. Đây là nhược điểm của cơ chế giao đất không thu tiền, việc việc triển khai khó khăn bởi phải quản lý chặt chẽ, tránh lợi dụng để sinh lợi không đúng mục đích.

Cần quy định về nhà ở xã hội cho khu vực nông thôn 

Dự Luật sửa đổi lần này đề cập đến các nhóm nhà ở xã hội bao gồm: Nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị; nhà lưu trú cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp; nhà ở cho lực lượng vũ trang và nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được thụ hưởng chính sách nhà ở mà tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa để ở. Không còn nhóm nhà ở xã hội cho sinh viên, học sinh.

Theo chuyên gia, nhà lưu trú cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang được quy định khá chi tiết, hợp lý. Vấn đề vướng mắc vẫn là nhà ở cho người có thu nhập thấp, cả về nguồn lực đất đai và tài chính.

Bên cạnh đó, theo ông Võ, luật phải quy định về nhà ở xã hội cho khu vực nông thôn, thậm chí vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Nhà ở đối với vùng nông thôn không thể dựa vào tiêu chí hộ nghèo hay hộ cận nghèo mà phải tính theo tỷ lệ thu nhập trên giá nhà ở trung bình.

Quản lý nhà ở xã hội không tốt dễ dẫn đến tham nhũng 

GS. Đặng Hùng Võ đưa ra một số khuyến nghị đối với xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, thủ tục quản lý đối với dự án nhà ở xã hội cần đi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư. Chỉ cần các điểm chốt về thủ tục liên quan đến ưu đãi của Nhà nước, các nội dung khác vận hành theo cơ chế thị trường.

Về ưu đãi thuế, cần thảo luận với Bộ Tài chính để miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho khu vực đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về chất lượng và quản lý chất lượng nhà ở xã hội, quy định về chính sách ưu đãi đi kèm với chất lượng công trình.

Chuyên gia cũng cho rằng cần bổ sung mục Nhà ở xã hội vùng nông thôn và khôi phục quy định về đất giãn dân để xây nhà ở cho các hộ mới tách ra trong Luật Nhà ở.

Đối với việc xây dựng không gian lưu trú cho công nhân làm việc tại các KCN, dự thảo Luật mới chỉ ra các đơn vị đầu tư, đất đai gắn với hạ tầng KCN. Cần quy định cụ thể về đơn vị phụ trách tài chính, chủ đầu tư, tìm quỹ đất. 

Ông lưu ý, những quy định trong dự Luật sửa đổi vẫn dựa trên tư duy cũ về KCN. Với Nghị định 82 năm 2018 và Nghị định 35 năm 2022 của Chính phủ, lúc này, nhà ở xã hội cho công nhân không chỉ để lưu trú mà ở nhiều dạng phong phú hơn.  

Ảnh minh họa. (Nguồn: Nam Long Group).

GS. Đặng Hùng Võ đưa ra quan điểm bên cạnh những góp ý cho chính sách phát triển nhà ở xã hội, còn nhiều việc phải làm mang tính vĩ mô. Trong đó, cần cải cách chế độ tiền lương song hành với cải cách bộ máy hành chính nhằm cải thiện thu nhập của người lao động.

Khi mức lương cao lên thì vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp sẽ bớt khó khăn hơn, không thể giữ chính sách lương thấp để thu hút đầu tư.

Tiếp đến, phải cải cách thuế bất động sản để giá nhà đất thấp đi, lúc đó cơ chế thị trường sẽ tạo động lực giải quyết vấn đề nhà ở. Vấn đề nhà ở xã hội còn nan giải nếu còn hình thành các đại gia bất động sản nhưng thu nhập của đa số người lao động vẫn chưa đủ để mua nhà.

Theo chuyên gia, quản lý của nước ta hiện nay còn tình trạng luật quy định nhưng nhiều bên không thực hiện. Trừ trường hợp cố tình phạm luật vì lợi ích cá nhân, nhiều quy định của pháp luật không thể thực hiện do thực tế chưa cho phép. Cần cân nhắc về tính khả thi của điều luật kỹ lưỡng để tránh tình trạng trên xảy ra.

Nhà ở xã hội là vấn đề khó, quản lý không tốt sẽ dễ dẫn đến tham nhũng mà mục tiêu chính không đạt được. Mọi chính sách ưu đãi của Chính phủ đều mang lại lợi ích lớn trong bối cảnh giá nhà ở thương mại cao như hiện nay.  

Đăng Nguyên