Gom USD trong ngân hàng bán ra chợ đen: ABBank sẽ xử nghiêm nhân viên phát ngôn không chính xác
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa ra thông cáo báo chí chính thức liên quan đến loạt phản ánh về việc cán bộ nhân viên ABBank "tiếp tay" cho việc gom ngoại tệ (tiền USD) trong ngân hàng bán ra chợ đen.
Theo đó, ABBank cho biết đã lập tức kiểm tra, rà soát lại công tác mua, bán ngoại tệ cho khách hàng cá nhân trên toàn hệ thống ngay sau khi nhận được phản ánh.
ABBank khẳng định một số cán bộ nhân viên xuất hiện trong phản ánh đã phát ngôn, chia sẻ thông tin không chính xác so với định hướng hoạt động của ngân hàng, chưa thể hiện hình ảnh chuẩn mực, chuyên nghiệp của cán bộ nhân viên ngân hàng khi tư vấn cho khách hàng về các hoạt động nghiệp vụ.
ABBank đã có kiểm tra, đánh giá và sẽ có xử lý nghiêm những vi phạm đối với các cá nhân, đơn vị chưa có giám sát, thực hiện đúng chuẩn mực theo quy định của ngân hàng. Mặt khác, ABBank cũng tiến hành rà soát, kiểm tra công tác đào tạo nội bộ, các văn bản hướng dẫn cán bộ nhân viên trong hoạt động giao dịch, tiếp xúc khách hàng để đảm bảo việc phục vụ khách hàng chuẩn mực, đảm bảo lợi ích cao nhất cho khách hàng.
Đồng thời, ABBank cho biết đối với quy trình về mua, bán ngoại tệ tiền mặt đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng đã ban hành và áp dụng các quy định, quy trình về mua ngoại tệ tiền mặt phục vụ nhu cầu của khách hàng cá nhân cho các mục đích như chữa bệnh; du học; du lịch, công tác, hội nghị…. theo đúng nguyên tắc và quy định của Pháp lệnh ngoại hối, Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý.
"Cho tới thời điểm hiện tại, ABBank xác định công tác mua, bán ngoại tệ tiền mặt phục vụ nhu cầu của khách hàng cá nhân được các đơn vị kinh doanh thực hiện theo đúng quy định, quy trình của ngân hàng", ABBank thông tin thêm.
Trước đó, ngày 26/9, trên báo Lao động điện tử đã đăng bài viết với nội dung về việc cán bộ nhân viên ABBank tư vấn, hỗ trợ bán USD cho nhóm khách hàng chuyên mua gom USD trong các ngân hàng thương mại rồi bán ra thị trường chợ đen.
Theo phản ánh, dù biết các trường hợp tạo hồ sơ “xuất cảnh giả” để mua USD từ ngân hàng để bán ra chợ đen ăn chênh nhưng vẫn thực hiện thủ tục để bán USD cho những người này.
Nhân vật trong phản ánh còn thừa nhận, ngân hàng không chỉ “nhắm mắt cho qua” mà còn tạo điều kiện cho những trường hợp này ủy quyền công chứng với nhóm từ 18 - 20 người để tránh mất thời gian và dồn quá nhiều người cùng một thời điểm đến ngân hàng sẽ gây chú ý.
Theo Thông tư số 18/VBHN-NHNN ngày 11/10/2018 quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép, cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến các mục đích: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
Hạn mức được mua ngoại tệ tiền mặt là 100 USD/1 người/1 ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày. Hạn mức ngoại tệ trên cũng được áp dụng đối với trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 6597/NHNN-QLNH yêu cầu các đơn vị trong hệ thống chấp hành nghiêm túc quy định quản lý ngoại hối đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới, các quy định liên quan đến việc bán, chuyển ngoại tệ cho các cá nhân với mục đích chuyển tiền một chiều ra nước ngoài, đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Văn bản cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối thực hiện nghiêm túc các quy định về việc bán ngoại tệ tiền mặt và cấp Giấy xác nhận cho cá nhân mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài cho các mục đích được phép theo quy định của pháp luật.