Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu thô năm 2020
Theo Bloomberg, mới đây, ngân hàng Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu thô năm 2020 sau khi OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) đồng ý nâng mức giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực đến tháng 3/2020.
Theo đó, Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu Brent thêm 3 USD/thùng so với mức dự báo đưa ra trước đó lên 63 USD/thùng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, trong dài hạn, mức giá sẽ chỉ ở mức 55 USD/thùng. Đối với giá dầu WTI giao luôn, Goldman Sachs dự báo giá sẽ ở mức 58,5 USD/thùng và dài hạn ở mức 50 USD/thùng.
Ngân hàng Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu thô năm 2020. Ảnh Reuters
Ngoài ra, ngân hàng này cũng dự báo nguồn cung dư thừa sẽ thu hẹp thêm 0,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, Goldman Sachs vẫn chưa tính rủi ro từ việc các nước Iraq, Nigeria và Nga không tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận giảm sản lượng khai thác.
Ngân hàng Goldman Sachs giữ nguyên dự báo sản lượng dầu đá phiến Mỹ tăng thêm 600.000 thùng/ngày trong năm 2020.
Kết phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu tăng hơn 1% sau khi OPEC+ đồng ý nâng mức giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày. Tính chung cả tuần, giá dầu thô tăng 7,3% - mức tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 6.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước dấu hiệu nhu cầu giảm sau khi số liệu cho thấy xuất khẩu dầu thô của Trung Quốc bất ngờ giảm.
Theo đánh giá của chuyên gia Vandana Hari, người sáng lập công ty Vanda Insights, quyết định của OPEC+ chỉ có tác dụng đẩy giá dầu tăng trong ngắn hạn. Về dài hạn, thị trường vẫn chú ý đến thương chiến Mỹ - Trung ảnh hưởng thế nào tới kinh tế toàn cầu.
Giá dầu thô WTI đầu sáng nay (9/12) giảm 0,5% xuống 58,8 USD/thùng. Cuối phiên giao dịch hôm thứ Sáu tuần trước (6/12), giá dầu WTI đóng cửa ở mức 59,2 USD/thùng - mức cao nhất kể từ 17/9.
Giá dầu Brent cũng giảm 0,3% xuống 64,2 USD/thùng sau khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước với mức tăng 1,6%.
Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Abdulaziz bin Salman cam kết sẽ giảm sản lượng dầu ở ngưỡng cao nhất kể từ năm 2014 đến nay. Ngoài Arab Saudi, các nước Nga, Iraq, Kuwait và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng cam kết giảm sâu sản lượng khai thác.
Kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 11 giảm 23% so với cùng kì năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2 năm nay.
Sau khi Bắc Kinh và Washington đồng ý đàm phán giai đoạn một của thỏa thuận thương mại trong tháng 10, thị trường kì vọng rằng hai nước sẽ sớm giải quyết một số vấn đề.
Tuy nhiên sau đó, đàm phán không thành công và mức thuế mới Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12.
Trả lời tờ Economic Times, ông Amrita Sen, nhà đồng sáng lập công ty về năng lượng lượng Energy Aspects nhận định mặc dù Arab Saudi chưa thành công trong việc đẩy giá dầu tăng quá mạnh nhưng họ đã tạo nền tảng tốt cho quí I năm sau, tránh trường hợp giá dầu thô giảm sâu do nhu cầu thấp.
OPEC+ sẽ tiếp tục họp vào tháng 3 năm sau để bàn về kế hoạch tiếp theo cho thỏa thuận giảm sản lượng. Trong số lượng dầu thô giảm thêm 500.000 thùng/ngày, OPEC cam kết giảm 372.000 thùng/ngày và các đồng minh giảm thêm hơn 130.000 đồng/ngày.