Goldman Sachs: Mỹ đang đi qua đợt tăng trưởng kinh tế dài nhất
Theo CNBC, giới chuyên gia kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs dự báo có 31% khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 9 quý kế tiếp. Con số này đang tăng lên song đây là câu chuyện có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tin tốt là nước Mỹ có 2/3 khả năng đang đi qua đợt phục hồi kinh tế dài nhất lịch sử.
“Khả năng thời gian tăng trưởng kinh tế sẽ phá kỷ lục phù hợp với quan điểm từ lâu của chúng tôi, rằng sự kết hợp của một cuộc suy thoái sâu và sự phục hồi chậm chạp ban đầu giúp chúng ta bước vào một chu kỳ dài bất thường”, các nhà kinh tế của Goldman Sachs viết trong lưu ý công bố gần đây. Đợt tăng trưởng kinh tế Mỹ kéo dài 95 tháng, và đang là đợt tăng trưởng dài thứ ba trong lịch sử 33 chu kỳ kinh tế kể từ năm 1854.
“Chỉ hai đợt tăng trưởng từ tháng 3.1991 đến tháng 3.2001 (120 tháng) và từ tháng 2.1961 đến tháng 12.1969 (106 tháng) là dài hơn đợt tăng trưởng này”, các chuyên gia cho hay. Goldman Sachs cũng cho biết nguy cơ trung hạn về một cuộc suy thoái kinh tế đang tăng lên, “chủ yếu là vì nền kinh tế đang có tình hình tuyển dụng đầy đủ và vẫn đi lên trên xu hướng”. Ngân hàng Mỹ định nghĩa suy thoái là khi một quý có tăng trưởng âm.
Các nhà kinh tế viết: “Cách rõ ràng nhất để giữ nguy cơ không tăng lên thêm là làm giảm sản lượng và tăng trưởng việc làm xuống tốc độ như xu hướng trước khi nó kéo dài quá lâu”. Điều này đòi hỏi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách hơn.
Sau một loạt dữ liệu kinh tế hạ xuống dưới mức mong đợi, báo cáo thị trường lao động khả quan hồi tuần trước là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ không đứng yên. GDP nước này chỉ tăng 0,7% trong quý 1/2017 và giới chuyên gia dự báo GDP quý 2/2017 sẽ lên đến 3% hoặc hơn.
Trong khi nhiều người mừng vì Mỹ có thêm 211.000 việc làm mới hồi tháng trước còn tỷ lệ thất nghiệp là 4,4%, Goldman Sachs cho rằng có khả năng thị trường lao động đang trở nên “quá nóng”. Ngân hàng Mỹ cho hay khả năng suy thoái của các quý trong thời gian tới được lý giải rõ qua nhiều yếu tố như tăng trưởng chậm chạp, năng suất giảm, giá nhà thay đổi, khoảng cách sản lượng, tỷ lệ nợ trên GDP và bất ổn về chính sách kinh tế.