Gói vay 7.500 tỷ trả lương người lao động: Mới giải ngân được 170 tỷ đồng
Mới đây, tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện sau hơn 1 tháng triển khai chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho biết tính đến nay, hệ thống NHCSXH đã tiếp nhận được 308 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với tổng số tiền 174,6 tỷ đồng để trả lương cho 50.175 lượt người lao động.
Trong đó, phê duyệt cho vay 276 lượt người sử dụng lao động với số tiền gần 170,7 tỷ đồng để trả lương cho 49.043 lượt người lao động.
Bắc Giang là địa phương có doanh số giải ngân cao nhất với 90,2 tỷ đồng cho 48 người sử dụng lao động để trả lương cho 26.592 lượt người lao động. Khách hàng vay cao nhất là CTCP May xuất khẩu Hà Bắc với số tiền 16,3 tỷ đồng để trả lương cho 4.762 người lao động.
Trong khi đó, theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng với lãi suất là 0%/năm.
Như vậy, sau hơn 1 tháng triển khai, NHCSXH mới giải ngân được 2,2% lượng tiền có thể dùng.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng chia sẻ rằng nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận gói vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do vướng từ khâu hồ sơ, đồng thời kiến nghị Chính phủ sửa một số điều kiện, theo ghi nhận của Báo Đầu tư.
Đơn cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng cho biết hiện tỉnh có 20 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hoạt động vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có nhu cầu vay vốn trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng gặp vướng mắc thủ tục quyết toán thuế.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cũng chia sẻ rằng điều kiện vay vốn trả lương ngừng việc là không có nợ xấu, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn nên sẽ rất khó để doanh nghiệp đáp ứng.
Do đó, ông Hồ Kỳ Minh đã kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh điều kiện trên để tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động được tiếp cận vốn vay, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành cũng cho biết, một số địa phương khi thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách, khu vực cách ly y tế chưa quy định cụ thể đối tượng phải dừng hoạt động dẫn đến việc xác định đối tượng người sử dụng lao động phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp khó khăn.
Nhìn nhận vấn đề, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng kiến nghị của địa phương trong quá trình tiếp cận chính sách rất trúng và sát thực tiễn, NHNN đồng tình và sẽ nghiên cứu tham mưu điều chỉnh điều kiện tín dụng phù hợp thực tế.