|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Dòng tiền có xu hướng đổ vào TTCK, nhiều cơ hội đầu tư trong 6 tháng cuối năm

11:23 | 18/06/2024
Chia sẻ
Tại Talkshow Phố Tài chính ngày 17/6, các chuyên gia nhận định hiện tại kinh tế vĩ mô đang phục hồi, tạo điều kiện tốt cho thị trường chứng khoán. Nhiều cơ hội đầu tư cổ phiếu mở ra cho giai đoạn cuối năm.

Nhìn lại quá khứ, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết chứng khoán thường phục hồi trước vĩ mô từ một đến ba quý. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tạo đáy vào cuối năm 2022. Kinh tế vĩ mô cũng đã tạo đáy sau đó.

Hiện tại nhiều yếu tố vĩ mô đã có sự tiến triển, như GDP đã tăng trưởng, xuất nhập khẩu từ đầu năm tăng khoảng 16%, chỉ số bán lẻ tăng trưởng khoảng 10%...

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Dầu khí (PSI) đồng thuận yếu tố vĩ mô đã tăng trưởng trở lại, 6 tháng cuối năm cũng có nhiều kỳ vọng. Dư địa cho tăng trưởng GDP cuối năm tương đối tốt.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Dầu khí. Ảnh chụp màn hình.

Dựa theo kế hoạch của Fed, các ngân hàng trung ương đã đi trước khi thực hiện giảm lãi suất, từ đó giảm áp lực cho nền kinh tế, giám áp lực lạm phát, tỷ giá... giúp kinh tế nửa cuối năm có nhiều điểm sáng hơn.

Về thị trường chứng khoán, ông Tuấn nhận thấy dòng tiền đầu tư hiện đang ổn định, có xu hướng đổ vào thị trường. Từ đầu năm, chứng khoán khả quan hơn các kênh đầu tư khác như vàng hay bất động sản, cũng có khả năng hiện nhiều nhà đầu tư đang chốt lời các kênh khác để đổ vào chứng khoán.

Tháng 5, khối ngoại bán ròng rất mạnh nhưng dòng tiền từ khối nội cũng rất tốt. Ông Tuấn nhìn nhận nhu cầu đầu tư chứng khoán sẽ tăng dần về lâu dài, đi cùng với nền kinh tế. Tuy vậy, vẫn luôn có những nhịp điều chỉnh trong xu hướng hồi phục.

Theo ông Long, thời gian qua gần như phiên nào khối ngoại cũng bán ròng khoảng vài trăm đến 1.000 tỷ đồng, nhưng dòng tiền nội không hề yếu thế. VN-Index từ đầu năm đã tăng khoảng 14%, là minh chứng cho thấy dần dần nhà đầu tư trong nước đã đánh giá lại thị trường và doanh nghiệp, tự tin hơn vào sự phục hồi kinh tế.

Gần đây, yếu tố dòng tiền có sự xoay chuyển nhanh hơn giữa các nhóm ngành trên thị trường chứng khoán. Ông Long nhận định không chỉ chứng khoán, các kênh đầu tư cũng có sự chuyển biến nhất định. Bên cạnh VN-Index tăng điểm từ đầu năm, tỷ giá USD cũng đã tăng 4,8 – 4,9%, giá vàng thế giới cũng đi lên đáng kể. Theo đó, chứng khoán gặp cạnh tranh dòng tiền hơn, nhà đầu tư không còn tính kiên nhẫn như trước.

“Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân nên cân nhắc kĩ trước việc quá nhanh chóng lướt sóng trading giữa các nhóm ngành, do có thể đem đến rủi ro thua lỗ trong ngắn hạn”, ông Long chia sẻ.

Về mặt dẫn dắt thị trường, nhà phân tích BSC cho biết trong quý II, thay vì nhóm ngân hàng hay vốn hóa lớn, thì nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đã diễn biến tốt hơn. Theo đó, VN-Index chỉ đang dao động ở vùng điểm nhất định. 

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán BIDV. Ảnh chụp màn hình.

Trước xu hướng này, ông Tuấn đưa ra quan điểm để vượt mốc 1.300 điểm, thị trường cần có sự tham gia của nhóm ngân hàng, để từ đó tạo niềm tin, hứng khởi cho nhà đầu tư.

Giai đoạn 6 tháng cuối năm, nhà phân tích PSI nêu một số nhóm ngành có nhiều kỳ vọng. Thứ nhất là ngành ngân hàng đang diễn biến tốt. Các luật về bất động sản có hiệu lực cũng có thể hỗ trợ cho một số doanh nghiệp ngành này. Đây dự kiến có thể là hai nhóm ngành trụ cột hỗ trợ cho VN-Index tăng trưởng. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa giữa các cổ phiếu.

Khi thanh khoản thị trường cao thì nhóm công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi. Bên cạnh đó là các nhóm ngành dầu khí, hóa chất, hàng tiêu dùng, công nghệ đang có xu hướng tăng trưởng tốt.

Ông Long đồng thuận thị trường sẽ phân hóa, tốc độ tăng điểm không đồng đều giữa các nhóm ngành. Bên cạnh ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng, một số nhóm cũng hưởng lợi từ yếu tố thế giới kể đến dầu khí, hóa chất.

Từ giờ đến cuối năm, một nhóm ngành được dự báo khả quan là liên quan xuất nhập khẩu, hiện tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6% là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi, như logistics, cảng biển, kho bãi, hàng không, khu công nghiệp, dệt may, da giày, thủy sản. Ngoài ra đó là ngành công nghệ, khi phát triển công nghệ không chỉ tại Việt Nam mà là xu hướng chung trên thế giới.

Xuân Nghĩa