Gỡ khó cho nữ công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng học bổng tiếp bước đến trường cho con em công nhân lao động khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết, trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn hướng tới người lao động, qua đó góp phần nâng cao trình độ, tay nghề; từng bước cải thiện tiền lương, thu nhập và các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm người lao động.
Đặc biệt, các vấn đề về bình đẳng giới, xây dựng các thiết chế văn hóa, công đoàn; các hoạt động lồng ghép giới đã và đang được chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp và doanh nghiệp quan tâm chia sẻ, góp phần thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới và công tác phụ nữ thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, nhiều nơi, đời sống công nhân lao động vẫn còn khó khăn do một số vấn đề bức xúc, cấp bách của nữ công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa được giải quyết kịp thời, chưa đáp ứng hết các yêu cầu của công nhân lao động.
Cụ thể như: Vấn đề tăng ca, thu nhập thấp, điều kiện lao động; việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ; các vấn đề về nhà ở, khu lưu trú dành cho công nhân; công tác chăm sóc sức khỏe, nhà trẻ, trường mẫu giáo chưa đáp ứng đủ về số lượng, chất lượng phục vụ công nhân.
Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết, thực tế nhu cầu gửi con của các công nhân, lao động nữ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp rất lớn. Từ khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, có khoảng 52,6% lao động nữ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi có nhu cầu gửi trẻ.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 19% gia đình gửi được con vào các trường mầm non công lập, còn lại phải gửi con vào các nhà trẻ tư nhân hoặc nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục có nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn cho trẻ.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nhung, Ban Chính sách - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nhiều nữ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất càng vất vã hơn khi phải tăng ca làm thêm, tạo thêm thu nhập nhưng không có thời gian để chăm sóc trẻ. Ngược lại, nữ lao động dành thời gian chăm cho trẻ thì thu nhập thấp, đời sống càng khó khăn.
Để giải quyết "bài toán này", bà Nguyễn Thị Nhung cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” bao gồm đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Qua đó, nhằm tạo điều kiện nâng cao đời sống, tinh thần, sức khỏe cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời khẳng định vai trò tổ chức công đoàn trong việc tập hợp và phát triển đoàn viên; thực hiện nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn cũng tiến hành thực hiện các mô hình sức khỏe của bạn, cabin vắt và trữ sữa; phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức chăm sóc, truyền thông về sức khỏe sinh sản, khám chuyên khoa phụ sản...
Từ hoạt động này, nữ công nhân lao động càng ý thức hơn trong việc tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Đại diện công nhân khu chế xuất Tân Thuận phát biểu tại diễn đàn.
Là công nhân Công Ty Trách nhiệm hữu hạn Furukawa Automotive Parts Việt Nam (FAPV) có vốn đầu tư nước ngoài tại khu chế xuất Tân Thuận, chị Bùi Thị Hoa cho rằng mình may mắn khi được gửi con vào Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận.
“Chỉ có gửi con gần nơi làm mới yên tâm với công việc để tạo ra năng suất cao vì kịp đón con sau giờ làm mỗi ngày”, chị Hoa chia sẻ.