|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gỗ An Cường ước đạt 600 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022

09:59 | 28/12/2022
Chia sẻ
Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường, ông Lê Đức Nghĩa cho biết lợi nhuận năm 2022 của công ty dự kiến đạt 600 tỷ đồng.

CTCP Gỗ An Cường (Mã: ACG) vừa công bố kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm, ghi nhận doanh thu đạt 3.950 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 553 tỷ đồng, lần lượt tăng 41% và 45,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong năm 2022, Gỗ An Cường đặt mục tiêu 4.242 tỷ đồng doanh thu và 550 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Như vậy, sau 11 tháng, doanh nghiệp đã đạt 93% kế hoạch doanh thu và vượt kết hoạch lợi nhuận năm.

Doanh nghiệp cho biết, trong cơ cấu doanh thu có 513 tỷ đồng đến từ xuất khẩu. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng tiếp tục cải thiện so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng doanh thu và chi phí sản xuất được tối ưu, cơ cấu doanh thu dịch chuyển theo hướng tích cực. 

 Kết quả kinh doanh Gỗ An Cường. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Ngày 23/12 vừa qua, Gỗ An Cường cũng đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Tại đại hội, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường, cho biết lợi nhuận của công ty trong năm 2022 dự kiến sẽ đạt 600 tỷ đồng, tăng trưởng 35-40% so với năm 2021. 

Bên cạnh đó, với việc thị trường bất động sản gặp khó khăn, ông Nghĩa cho biết đã lường trước và chủ động giảm tỷ trọng doanh thu từ các dự án bất động sản ở mức 30 - 40% của hai năm 2019 - 2020 về mức 20% trong năm 2021 và trong năm 2022, tỷ trọng doanh thu từ nhóm này là hơn 10%.

Với tỷ trọng này, ông nhận xét không có quá nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Đồng thời, doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động phân phối, mở thêm hệ thống đại lý và tiếp tục mở rộng kinh doanh mảng gỗ công nghiệp. 

Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường còn cho biết năm tới sẽ hợp tác với công ty kiểm toán EY, tiến hành tái cấu trúc về mặt chiến lược để trở thành doanh nghiệp vốn hóa 1 tỷ USD.

Về dự án Central Hill Long An, ông Nghĩa cho biết Gỗ An Cường chỉ nắm 30% cổ phần tại CTCP Bất động sản Centrall Hill (công ty con của Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi). Gỗ An Cường là cổ đông, không trực tiếp đầu tư dự án và doanh nghiệp không chủ động mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Mảng bất động sản là hoạt động đầu tư tài chính nhằm tạo ra sự cộng hưởng cho hoạt động kinh doanh chính thông qua bán các gói lắp đặt nội thất cho khách hàng mua nhà của Thắng Lợi.

Hiện, dự án Central Hill đang trong giai đoạn đàm phán để nhận thêm khoản đầu tư từ Sumimoto Forestry. Dự kiến, tỷ lệ sở hữu của Gỗ An Cường tại dự án này sẽ còn khoảng 20% nếu nhận đầu tư thành công.  

Giải đáp thắc mắc của cổ đông về biến động giá và tình trạng kém thanh khoản của cổ phiếu ACG sau khi lên sàn HOSE, ông Nghĩa cho biết, cơ cấu cổ đông của Gỗ An Cường hiện quá cô đặt. Cụ thể, ông Nghĩa nắm hơn 51% cổ phần, các cổ đông chiến lược như Sumitomo Forrestry và VinaCapital nắm khoảng 40% cổ phần và chưa có kế hoạch bán ra.

Bên cạnh đó, triển vọng ngành gỗ bị đánh giá tiêu cực, trong 6 tháng cuối năm vừa qua và những tháng sắp tới dự báo khó khăn, cộng với diễn biến chung của thị trường nên tác động đến giá cổ phiếu ACG.

Kết phiên ngày 27/12, cổ phiếu ACG đóng cửa ở mức 35.300 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt 4.795 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu ACG sau khi lên sàn Hose. (Nguồn: Tradingview).

Ngoài ra, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua quyết định miễn nhiệm ông Jess Rueloekke và ông Trần Lương Thanh Tùng khỏi vị trí thành viên HĐQT do hết nhiệm kỳ. Đồng thời, bầu bổ sung ông Nguyễn Thanh Quyền và ông Phan Quốc Công làm thành viên độc lập HĐQT. Bà Võ Ngọc Ánh, Tổng Giám đốc, được bổ nhiệm thêm chức vụ người phụ trách quản trị công ty.

Đăng Nguyên

Nhận định thị trường chứng khoán 3/1: Biến động quanh ngưỡng 1.267 điểm
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động quanh đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.267 điểm) trong phiên kế tiếp. Đồng thời, nếu VN-Index vượt được mức 1.271 điểm trong phiên kế tiếp thì đà tăng có thể sẽ tiếp diễn.