|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giúp việc gia đình – một nghề như bao nghề

08:11 | 05/12/2019
Chia sẻ
Đó là tiêu đề bài viết của ông Chang-Hee Lee - Giám đốc ILO tại Việt Nam vào tháng 6/2017. Trong bài viết của mình ông Chang-Hee Lee nêu con số Việt Nam dự kiến sẽ có khoảng 350.000 lao động giúp việc gia đình vào năm 2020.
avatar_1575504697909

Không chỉ ở trong nước, nhiều người còn nhận thấy ngày càng nhiều cơ hội đi làm giúp việc ở nước ngoài tại nhiều điểm đến khác nhau, như Đài Loan và Ma Cao (Trung Quốc), đảo Síp, Malaysia hoặc Ả rập Xê út.

“Gần đây, tôi có cơ hội nói chuyện với một chị quê ở Hòa Bình. Khi tôi hỏi chị ấy có việc làm không, chị ấy lắc đầu: “Em chỉ đang giúp việc ở một gia đình trên Hà Nội thôi, được 3 năm rồi”. 

Vậy giúp việc gia đình được trả lương không phải là một “công việc” hay sao - tôi tự nhủ. Nhưng rồi, tôi nhớ ngay ra là trên thế giới, giúp việc gia đình thường không được công nhận là một nghề “thực sự”.

Ngay cả khi công việc này được công nhận, thì những kỹ năng nghề của họ cũng bị đánh giá thấp. Chính việc đánh giá thấp công việc giúp việc gia đình đã dẫn tới mức lương thấp và điều kiện làm việc không đảm bảo cho những người làm nghề này.

Theo một báo cáo khác của ILO, hơn 40% người lao động giúp việc gia đình trên thế giới không được hưởng mức lương tối thiểu cho dù lương tối thiểu được áp dụng cho những nhóm lao động khác ở nước họ.

Thường xuyên cảm thấy việc mình làm không có giá trị như việc của người khác, bị phân biệt đối xử trong xã hội và nhận mức lương thấp, bản thân những người giúp việc như chị ấy có lý do để cho rằng đó không phải là những công việc “thực sự”. Đây là một sự thật đau lòng cần được giải quyết” – ông Chang-Hee Lee viết.

Từ nghiên cứu về về xu hướng gia tăng lao động Việt Nam đi giúp việc gia đình ở nước ngoài, ILO đã đưa ra rất nhiều khuyến cáo cho Chính phủ Việt Nam. 

Trong đó có các khuyến cáo liên quan đến lĩnh vực pháp lý như: Trong đàm phán về hợp đồng mẫu dành cho lao động giúp việc gia đình ở nước ngoài cũng như các thỏa thuận tương tự trong tương lai, cần xem xét cụ thể để bảo đảm quyền lợi tối thiểu của người lao động áp dụng thực hiện, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Điều này bao gồm sự minh bạch về cơ chế khiếu nại, tiếp cận dịch vụ tư pháp, quyền được tham gia tổ chức công đoàn và đảm bảo sự tham gia của các đối tác xã hội.

“Việt Nam đã có một bước tiến lớn trong việc tăng cường bảo vệ về pháp lý cho người giúp việc gia đình thông qua các quy định của pháp luật lao động và cũng đang xem xét phê chuẩn Công ước về lao động giúp việc gia đình của ILO (Công ước 189) vào năm 2020. Nhưng chúng ta cũng không cần phải đợi tới lúc phê chuẩn. Sự thay đổi đó có thể bắt đầu ngay bây giờ” – ông Chang-Hee Lee nhấn mạnh.

X.Hoa