Giúp cân bằng giữa công việc và cuộc sống, các công ty ở Iceland chỉ yêu cầu nhân viên đi làm 4 ngày/tuần
Mới đây, tại Iceland, khoảng 2.500 người tại 100 công ty khác nhau, chiếm khoảng 1% dân số trong độ tuổi lao động đã tham gia vào một chương trình do chính phủ nước này thử nghiệm, theo Business Insider.
Theo phân tích của Hiệp hội Dân chủ và Bền Vững Iceland, nhiều người nhận thấy việc giảm thời gian làm từ 40 giờ/tuần xuống còn 35 giờ/tuần, giữ nguyên lương giúp họ cảm thấy tích cực hơn và vẫn đạt năng suất là việc.
Kết quả này càng làm tăng thêm độ tin cậy cho chiếc lược cắt giảm thời gian làm việc xuống còn 4 ngày/tuần của chính phủ Iceland. Đây được coi như một phương thuốc giúp cải thiện sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Các thử nghiệm được khởi xướng bởi Hội đồng thành phố Reykjavik và chính phủ quốc gia sau nhiều ý kiến cho rằng Iceland đang tụt hậu so với các nước láng giềng về sự cân bằng trong công việc và cuộc sống.
Thử nghiệm ban đầu được áp dụng tại thủ đô Reykjavik từ năm 2014 đến 2019. Trong suốt thời gian đó, các nhân viên chăm sóc trẻ em, trung tâm dịch vụ, nhân viên văn phòng hành chính là những người được giảm thời gian làm từ 40 giờ/tuần xuống còn 35 giờ/tuần
Đợt thử nghiệm thứ hai được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2021 đã chứng kiến 440 công chức từ một số cơ quan chính phủ quốc gia giảm thời gian làm việc. Họ vẫn làm việc theo giờ hành chính, nhưng đã giảm về số ngày công.
Trái ngược với những tuyên bố rằng giảm giờ làm việc có thể phản tác dụng và khiến nhân viên làm việc không hiệu quả, phân tích từ các cơ quan của Iceland cho thấy nhìn chung không có sự thay đổi nào về năng suất làm việc của mọi người.
Trên thực tế, để làm việc hiệu quả hơn, các doanh nghiệp được khuyến khích nên giảm bớt thời gian các cuộc họp, sắp xếp lại lịch trình công việc và cải thiện khả năng giao tiếp giữa các bộ phận
Việc giảm thời gian làm cũng giúp phúc lợi của nhân viên được cải thiện. Trong nhiều trường hợp, mức độ căng thẳng và mệt mỏi đã giảm xuống. Nhiều người thậm chí cho rằng việc giảm thời gian làm giúp họ cảm thấy tích cực và hạnh phúc hơn trong công việc.
Những người tham gia dự án thử nghiệm của chính phủ Iceland cho biết việc giảm thời gian đi làm giúp họ có nhiều thời gian để tập thể dục và giao lưu hơn, điều này tác động tích cực đến hiệu quả công việc.
Các nhà nghiên cứu mô tả chiến dịch của Iceland như một "bản thiết kế quan trọng" về cách tổ chức mà các nước khác trên thế giới nên học hỏi.
"Kết quả từ những đợt thử nghiệm cho thấy các nhân viên công chức nhà nước đã sẵn sàng để trở thành người tiên phong cho việc cắt giảm thời gian làm việc. Điều này sẽ đem đến những kinh nghiệm quý báu cho chính phủ", Will Stronge, giám đốc nghiên cứu của Autonomy cho biết.
Trên thực tế, Iceland không phải là quốc gia duy nhất thử nghiệm dự án đi làm 4 ngày/tuần. Tháng 5/2021, chính phủ Tây Ban Nha đã phê duyệt kế hoạch thí điểm trong 3 năm và cam kết hỗ trợ 50 triệu Euro để các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch tương tự, theo The Guardian.
Jacinda Ardern, thủ tướng New Zealand, cũng nhấn mạnh khái niệm này như một phương tiện giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Năm 2020, Iceland là quốc gia đứng thứ 10 về số giờ làm việc ngắn nhất trong một tuần, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Thời gian trung bình mà một người lao động tại Iceland làm trong một năm khoảng 1.435 giờ.
Trong khi đó, người lao động tại Đức có thời gian làm việc trung bình thấp nhất thế giới trong năm 2020, khoảng 1.332 giờ.
27 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu được xếp hạng chung thứ 13, với trung bình 1.513 giờ làm việc hàng năm. Người lao động tại Mỹ đứng thứ 35, với khoảng trung bình 1.767 giờ làm việc trong năm 2020.