Giữ chân lao động và bài toán nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp
Làn sóng công nhân, người lao động ở TP HCM và một số tình thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, Long An,… ồ ạt đổ về quê đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Bộ Y tế thống kê thông tin từ 39 tỉnh thành cho biết, từ ngày 1/10 đến nay đã có hàng trăm nghìn người ở các vùng Đông và Tây Nam Bộ về quê. Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc người dân di chuyển về quê là nhu cầu chính đáng.
Trên thực tế, đây lại lựa chọn bắt buộc của đại đa số người lao động khi bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu do tác động của đại dịch COVID-19. Mất việc làm, không có thu nhập, không còn dự trữ, kiệt sức vì thuê trọ,... là tình cảnh mà hàng trăm nghìn người đã, đang phải trải qua.
Đến nay, làn sóng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, TP HCM và các trung tâm công nghiệp lớn ở phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng ngay sau khi trở lại trạng thái "bình thường mới".
Bài toán giữ chân người lao động lúc này nên được đặt song song với bài toán nhà ở và chính sách cho công nhân, người lao động.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, chỉ còn chưa đến 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo theo phương án "3 tại chỗ," "1 cung đường, 2 điểm đến."
Việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện đáp ứng về "nơi ăn chốn ở" cho người lao động ở lại nơi làm việc đang đặt ra dấu chấm hỏi về quỹ đất dành cho nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp (KCN) hiện nay. Đặc biệt là khi xảy ra biến cố, dịch bệnh,...
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Tuy nhiên, cả nước hiện mới hoàn thành 207 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn.
Ngoài ra, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích hơn 250 ha). Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.
Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cả nước hiện có gần 2,6 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân KCN đến năm 2020. Con số này chỉ như "muối bỏ biển".
Cấp thiết xây nhà ở cho công nhân
Trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất liên tục của doanh nghiệp, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động...
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân nên không đảm bảo được việc thực hiện "3 tại chỗ" tại các KCN.
Về lâu dài Bộ Xây dựng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó chính sách nhà công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư phát triển.
Trước mắt, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại KCN đó.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương phải có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Đồng thời, nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động.
Ngoài ra, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc triển khai các quyết định của Thủ tướng về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các KCN, khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao). Phấn đấu từ năm 2026 trở đi, tất cả KCN, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.
Bộ Xây dựng cũng đang lấy góp ý dự thảo quyết định chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, cả nước phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng khoảng 222.500 căn nhà ở xã hội đáp ứng cho khoảng 890.000 người thu nhập thấp tại đô thị; khoảng 163.500 căn nhà lưu trú đáp ứng cho khoảng 654.000 công nhân làm việc tại các KCN, khu chế xuất.
Một trong những giải pháp được Bộ này đặt ra trong thời gian tới là hoàn thiện pháp luật về nhà ở, về đất đai, về quản lý KCN và khu kinh tế, về công đoàn theo hướng có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân KCN theo hướng phát triển mô hình nhà lưu trú công nhân trong phạm vi KCN.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo thực hiện các quy chuẩn chất lượng nhà ở; bổ sung quy định về việc thuê nhà ở, đặc biệt là nhà trọ cho công nhân khu công nghiệp,...
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/