Giới trẻ Trung Quốc chi tiền để bói tarot, xem tử vi qua mạng
Huang Yue, 25 tuổi, sinh viên cao học ở Bắc Kinh, đã vật lộn với lo lắng và do dự trong phần lớn năm 2023. Cô bắt đầu một chương trình cao học đầy khó khăn, không thể quyết định có nên chấm dứt mối quan hệ đầy sóng gió với bạn trai hay không, và lo lắng về việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Giống như nhiều người khác ở Trung Quốc, cô đã tìm đến ứng dụng tâm linh Cece. Với các lá số tử vi, biểu đồ chiêm tinh và thậm chí cả dịch vụ trò chuyện riêng với một nhà ngoại cảm, Huang tìm kiếm sự an ủi cho cuộc sống của mình trên ứng dụng này.
"Đó là cách tôi tìm kiếm ý nghĩa và sự an ủi trong thế giới vô lý này", Huang nói. "Trong những thời điểm bất ổn, tôi thấy mình bám lấy bất kỳ hình thức công nhận bên ngoài nào có thể mang lại cho bản thân một chút thoải mái”.
Tại Trung Quốc, nơi những thách thức về kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao đang rình rập, những người trẻ tuổi ngày càng tìm đến các dịch vụ tâm linh trực tuyến để hướng dẫn. Mặc dù cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao các hoạt động tâm linh, ngành kiếm tiền này vẫn đang phát triển.
Theo công ty nghiên cứu Frost & Sullivan, thị trường sức khỏe tâm thần tổng hợp của Trung Quốc ước đạt 6,68 tỷ nhân dân tệ (940 triệu USD) vào năm 2023 và 10,41 tỷ nhân dân tệ (1,46 tỷ USD) vào năm 2025.
Được Tencent hậu thuẫn, Cece là một ứng dụng tâm linh hàng đầu ở Trung Quốc. Số người dùng hoạt động hàng tháng của ứng dụng này gần như tăng gấp đôi trong năm đầu tiên đại dịch và đạt hơn 1 triệu vào năm 2021.
Người dùng đăng ký bằng cách nhập năm sinh và địa điểm, sau đó ứng dụng sử dụng để tạo ra các bài đọc dựa trên con giáp hoặc các dấu hiệu chiêm tinh.
Dữ liệu chiêm tinh trong ứng dụng Cece có thể được chia sẻ với các thầy bói ngoài đời. Với một khoản phí nhỏ, người dùng có thể tham khảo ý kiến một "bậc thầy" của Cece trong các phòng trò chuyện giống Clubhouse, mỗi người chuyên về các lĩnh vực như tư vấn tình cảm hoặc lập kế hoạch nghề nghiệp.
"Lá số tử vi có nói gì về sự nghiệp của tôi trong năm 2024 không?" một người dùng đã hỏi một thầy phong thủy trong phòng trò chuyện của Cece vào tháng 11. "Cả năm 2024 bạn sẽ gặp khó khăn về tài chính, nhưng đến năm 2025, vận may của bạn sẽ đi lên”, thầy bói trả lời sau khi xem quẻ người dùng.
Những "thầy bói" này là một phần trong số lực lượng lao động tự do trong lĩnh vực tâm linh ngày càng tăng, cung cấp cho người dùng một "đôi tai cảm thông" với mức giá hợp lý.
Chẳng hạn trên Cece, các "bậc thầy" cần vượt qua các bài kiểm tra về đạo đức nghề nghiệp và chiêm tinh trước khi có thể cung cấp dịch vụ tư vấn. Mức phí của họ tăng lên dựa trên số giờ họ làm việc.
Abigail, làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước và yêu cầu sử dụng tên giả để tránh bị nhận dạng, có một công việc bán thời gian trên Cece. Cô đã tư vấn cho hơn 1.000 người dùng và mức lương của cô đã tăng từ khoảng 3 nhân dân tệ (42 xu) mỗi phút năm 2021 lên 10,80 nhân dân tệ (1,50 USD) mỗi phút.
Ngoài các phòng trò chuyện công khai, Cece còn cung cấp dịch vụ "lắng nghe" riêng tư do các nhà tư vấn được đào tạo cung cấp. Zhai Liqin, 38 tuổi, một nhà trị liệu, dành 3 đến 5 giờ mỗi ngày để nói chuyện với người dùng trên Cece, với mức giá 2 nhân dân tệ (28 xu) mỗi phút.
Zhai bắt đầu tự học tâm lý 6 năm trước, khi còn là một bà nội trợ. Cô đăng ký nhiều lớp học trực tuyến khác nhau và cuối cùng trở thành nhân viên xã hội được cấp phép vào năm 2021.
Zhai, hiện là một nhà tư vấn tâm lý, đồng thời điều hành một cơ sở tư vấn tâm lý truyền thống và dành 4-5 tiếng mỗi ngày làm việc trên Cece.
Mức phí của cô trên Cece khác biệt đáng kể so với trực tiếp: Một buổi offline có giá 300 tệ (42 USD), trong khi trên Cece, cô tính 2 tệ (28 xu) mỗi phút. "Tôi thích làm việc trực tuyến như một người lắng nghe”, cô nói với Rest of World, "bởi vì nó linh hoạt hơn, cho phép tôi chăm sóc con gái trong khi kiếm thêm thu nhập”.
Mặc dù ứng dụng Cece tránh các thuật ngữ "nhà trị liệu" hoặc "nhà tư vấn", nhưng những người lắng nghe phải trải qua quá trình đánh giá năng lực kéo dài. Sau khi được chấp nhận làm việc trên Cece, họ sẽ liệt kê các khóa đào tạo và chứng chỉ của mình trên hồ sơ.
Chi phí tư vấn của họ dao động từ 1 đến 7 tệ (14 xu đến 1 USD) mỗi phút, tùy thuộc vào kinh nghiệm làm việc và mức độ nổi tiếng của họ. Theo Zhai, người lắng nghe không được tự quyết định mức phí của mình.
Zhai không coi những gì cô làm trên Cece là liệu pháp tâm lý.
"Các buổi lắng nghe trên Cece chỉ phù hợp với người dùng không có vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Tôi không thể làm việc với khách hàng một cách nhất quán và chỉ có thể cung cấp sự xác nhận hời hợt trong các buổi lắng nghe”, Zhai nói.
Các chuyên gia đồng ý rằng các ứng dụng tâm linh kỹ thuật số như Cece không thể thay thế cho sự trợ giúp chuyên nghiệp, đặc biệt là do các nền tảng này tập trung vào các thầy bói, nhà ngoại cảm và những người hành nghề phi khoa học khác.
"Phải mất hàng nghìn giờ đào tạo để trở thành một nhà tư vấn tâm lý được cấp phép, người biết cách xử lý những vấn đề phức tạp như ranh giới với khách hàng và sự chủ quan của chính họ”, Molly Lin, một nghiên cứu sinh tiến sĩ về tâm lý tại Đại học Trung Quốc Hong Kong nói với Rest of World.
"Các nhà hành nghề tâm linh kỹ thuật số và người lắng nghe thiếu kiến thức chuyên môn như thế này. Khi gặp những khách hàng có vấn đề tâm lý nhạy cảm có thể gây hiểu lầm và thậm chí nguy hiểm”, Lin nói.
Dịch vụ tâm linh ở Trung Quốc thường xuyên gặp những quy định của nhà nước, do chính phủ chống tệ mê tín dị đoan. Các nền tảng mạng xã hội như WeChat đã cấm người sáng tạo kiếm lợi từ các dịch vụ "mê tín." Tìm kiếm các từ khóa như "bói bài tarot" hay "lá số tử vi" trên Xiaohongshu không trả về kết quả nào liên quan.
Tuy nhiên, các nhà ngoại cảm vẫn tìm cách lách lệnh cấm, đôi khi quảng cáo bằng tiếng Anh hoặc sử dụng biểu tượng quả cầu pha lê để ám chỉ bói toán.
"Xây dựng một doanh nghiệp tâm linh kỹ thuật số ở Trung Quốc là một hành trình gian nan”, Coco Chen, Đồng sáng lập ứng dụng phân tích giấc mơ Dreamore, nói với Rest of World.
Cece tự quảng cáo mình là một nền tảng "tâm lý toàn diện".
Huang, cô sinh viên cao học, đã từng trả tiền tư vấn với các "bậc thầy" trong ứng dụng nhiều lần khi cảm thấy thất vọng với cuộc sống, một phần vì nó rẻ hơn nhiều so với liệu pháp tâm lý. Trên Cece, một cuộc gọi 30 phút với một "bậc thầy" chỉ tốn 60 tệ (8,40 USD), so với các buổi trị liệu 300 tệ (42 USD) trên các ứng dụng chuyên nghiệp.
Huang cũng thích trả tiền theo phút trên Cece, thay vì bị ràng buộc với các buổi trị liệu kéo dài.
Vào tháng 10, Huang quay lại với bạn trai cũ. Bạn bè cô từng mô tả anh ta là "độc hại", nhưng lá số tử vi trên Cece cho thấy họ rất hợp nhau.
"Tôi chỉ đang tìm kiếm một động lực theo hướng mà trái tim tôi mong muốn. Nhưng thường thì phải đến khi bạn tung đồng xu, bạn mới thực sự biết mình muốn gì”, Huang nói.