|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giới tài phiệt Nga mất gần 70 tỷ USD sau một năm

08:02 | 27/02/2023
Chia sẻ
Một năm sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, những người giàu nhất nước Nga đã chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của họ giảm đáng kể.

Những cá nhân giàu nhất nước Nga đã chứng kiến tổng giá trị khối tài sản khổng lồ của họ bị sụt giảm sau một năm kể từ khi Nga mở “chiến dịch đặc biệt” nhắm vào phía Ukraine, theo thông tin từ New York Post.

Theo đó, 23 nhà tài phiệt Nga có tên trong danh sách Bloomberg Billionaires Index, danh sách theo dõi khối tài sản ròng của 500 tỷ phú giàu nhất thế giới, đã chứng kiến tổng giá trị khối tài sản ròng giảm 67 tỷ USD trong năm qua, theo dữ liệu mới được công bố gần đây.

Những người giàu nhất nước Nga mất gần 70 tỷ USD một năm sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra. (Ảnh: Forbes).

Cũng theo thông tin từ New York Post, tổng giá trị khối tài sản ròng của những cá nhân thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giảm 20% kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra làn sóng trừng phạt kinh tế từ Mỹ và các quốc gia phương Tây khác. Nhiều nhà tài phiệt Nga đã bị trừng phạt cá nhân hoặc có tài sản quốc tế, chẳng hạn như siêu du thuyền sang trọng hoặc các bất động sản đắt tiền, bị chính quyền các phương Tây thu giữ do có quan hệ với Điện Kremlin.

Alexei Mordashov, chủ sở hữu đa số của công ty thép khổng lồ Severstal PJSC của Nga, là tỷ phú Nga chịu thiệt hại lớn nhất trong số các tỷ phú của đất nước này. Giá trị khối tài sản ròng ước tính của ông đã giảm mạnh 6,7 tỷ USD kể từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu nổ ra. Dù vậy, tổng giá trị khối tài sản ròng của ông vẫn đạt mức 19,8 tỷ USD.

Vladimir Lisin, chủ tịch của Novolipetsk Steel PJSC, là người đứng thứ hai trong danh sách những tỷ phú thua lỗ lớn nhất ở Nga trong năm qua khi giá trị khối tài sản ròng giảm 5,8 tỷ USD.

Một tỷ phú Nga nổi tiếng khác là Roman Abramovich là người thua lỗ nhiều thứ ba đất nước trong năm qua khi chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm 5,6 tỷ USD. Đáng chú ý, tỷ phú Roman Abramovich đã buộc phải bán câu lạc bộ bóng đá Anh Chelsea FC cho một nhóm các nhà đầu tư Mỹ, trong đó có đồng sở hữu của Los Angeles Dodgers, tỷ phú Todd Boehly vào tháng 5 năm ngoái do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt xoay quanh cuộc xung đột tại Ukraine.

Bên cạnh đó, vào tháng 4/2022, Chính quyền Anh cũng từng đưa ra thông báo đã đóng băng khối tài sản của hai nhà tài phiệt người Nga có trị giá lên tới 10 tỷ bảng Anh, tương đương 13 tỷ USD. Đây là động thái chống lại Eugene Tenenbaum và David Davidovich, hai cộng sự thân cận của tỷ phú Roman Abramovich, đồng thời cũng là vụ đóng băng tài sản lớn nhất lịch sử nước Anh, theo CNBC.

Việc đóng băng tài sản diễn ra một ngày sau khi các nhà chức trách tại thiên đường thuế Jersey đóng băng tài sản trị giá hơn 7 tỷ USD bị nghi ngờ có liên quan đến tỷ phú Roman Abramovich. Tổng tài sản bị đóng băng liên quan đến tỷ phú Roman Abramovich đã lên tới 20 tỷ USD chỉ trong vài ngày. Ngoài ra, riêng ông David Davidovich cũng bị cấm nhập cảnh đến Anh.

Nhà công nghiệp Andrey Melnichenko đã chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của mình giảm 4,5 tỷ USD, là tỷ phú thua lỗ nhiều thứ 4 tại Nga trong năm qua. Đứng ở ngay sau là tỷ phú Gennedy Timchenko, người chứng kiến tổng giá trị khối tài sản ròng giảm 4,2 tỷ USD.

Những mất mát liên quan tới khối tài sản ròng của các tỷ phú Nga dù tương đối lớn trong suốt năm qua, nhưng nó vẫn nhỏ hơn so với những gì đã diễn ra sau giai đoạn đầu tiên của cuộc xung đột. Bloomberg lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào giới tài phiệt Nga dường như có tác dụng “hạn chế” trong dài hạn.

Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột tại Ukraine vào tháng 3 năm ngoái, đã có lúc các tỷ phú giàu có nhất nước Nga chứng kiến tổng giá trị khối tài sản ròng giảm tổng cộng 92 tỷ USD khi chính quyền các nước phương Tây và Mỹ bắt đầu đưa ra các lệnh trừng phạt liên quan tới cuộc xung đột này.

Bên cạnh đó, hãng tin RT tổng hợp dữ liệu từ tạp chí Forbes cho thấy danh sách những người giàu nhất nước Nga đang giảm dần về cả số lượng cũng như tổng giá trị khối tài sản ròng mà họ nắm giữ.

Thực tế, không phải tỷ phú Nga nào cũng chứng kiến giá trị khối tài sản ròng lao dốc trong năm qua. Chẳng hạn, tỷ phú Andrey Guryev, người sáng lập Phosagro, đã kiếm thêm hơn 2 tỷ USD trong năm ngoái khi giá phân bón tăng đột biến.

Mỹ và nhiều quốc gia khác đã thực hiện một loạt hành động trừng phạt đối với nền kinh tế Nga, bao gồm ban hành mức giá trần hoặc lệnh cấm hoàn toàn đối với các chuyến hàng vận chuyển năng lượng của nước này, đồng thời ngắt kết nối Điện Kremlin khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Nguyễn

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.