Giới nhà giàu châu Á tăng nắm giữ tiền mặt chờ cơ hội đầu tư trong đại dịch
Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần này với Bloomberg, ông Joseph Poon, Giám đốc Ngân hàng bán lẻ của DBS Group Holdings - nhà cho vay lớn nhất Đông Nam Á, cho biết khách hàng đã tăng lượng nắm giữ tiền mặt từ 30% (trước đại dịch) lên khoảng 40% trong danh mục đầu tư của họ trong những tháng gần đây.
"Khách hàng đang giữ nhiều tiền mặt hơn bình thường. Đó là một hiện tượng rất thú vị", ông Poon nói.
Ông cho biết nhóm khách hàng có khoản tài sản có thể đầu tư từ 30 triệu SGD tin rằng sẽ có cơ hội tốt trên thị trường khi đại dịch ảnh hưởng đến nền kinh tế. Họ đang cân nhắc giữa tài sản tài chính, thương mại điện tử và các doanh nghiệp hậu cần (logistics) thiếu vốn. Một số nhà đầu tư dự định dùng tiền mặt cho nhu cầu kinh doanh của riêng họ và có thể mở rộng công ty thông qua các đối tác.
Thông tin của vị chuyên gia này đang phản ánh một xu hướng lớn hơn. Theo số liệu tổng hợp của Bloomberg, nhóm các công ty đầu tư tư nhân hàng đầu đang ngồi trên đống tiền mặt khoảng 1.600 tỉ USD khi đại dịch COVID-19 làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu, nhiều giao dịch vốn bị tạm dừng.
Tuy nhiên, ông cho rằng việc nắm giữ tiền mặt có thể có nghĩa là một số nhà đầu tư đã bỏ lỡ một đợt phục hồi lớn của thị trường, chỉ số MSCI AC Châu Á Thái Bình Dương tăng khoảng 43% kể từ mức thấp nhất trong tháng 3.
Vị lãnh đạo này cũng tiết lộ dòng tiền mới ròng của Ngân hàng bán lẻ DBS đã tăng gấp đôi lên 5 tỉ SGD trong nửa đầu năm, đến từ các văn phòng gia đình ở Mỹ, châu Âu,... DBS cũng đang trên đà tăng giá trị tài sản tại các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines.