Giới hạn 'tuổi' máy nhập khẩu cản trở đầu tư Nhật
Một doanh nghiệp nước ngoài tham gia MTA Vietnam 2017 - Ảnh: Quốc Hùng. |
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM chia sẻ thông tin trên với báo chí trong sự kiện khai mạc Triển lãm quốc tế về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại tại Việt Nam (MTA Vietnam 2017) vào ngày 4-7 tại quận 7, TPHCM.
Ông Koji cho rằng Việt Nam vẫn nằm trong lựa chọn của doanh nghiệp Nhật Bản trong kế hoạch đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, quy định về máy móc, thiết bị đã qua sử dụng trên 10 năm tuổi không được nhập khẩu của Việt Nam đang cản trở họ.
Người đứng đầu văn phòng JETRO tại TPHCM cho rằng không chỉ doanh nghiệp Nhật lần đầu có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài mà ngay cả những doanh nghiệp nước này đang đầu tư ở Việt Nam cũng bị vướng trong kế hoạch mở rộng đầu tư.
Theo ông Koji, thông thường các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài, họ thường mang theo máy móc thiết bị của của cơ sở sản xuất đó. Và điều dĩ nhiên những máy móc thiết bị này vẫn còn hoạt động hiệu quả trong nhiều năm nữa.
Do đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản kiến nghị nên chỉnh sửa lại quy định là nếu là máy móc, thiết bị do các công ty sản xuất nhập khẩu vì hoạt động sản xuất của công ty mình thì không giới hạn tuổi thiết bị.
Kiến nghị này cũng được Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như một số bộ, ngành khác trước đó. Tổ chức này đề nghị tiếp tục sửa đổi Thông tư 23 quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nói trên. Theo hiệp hội này việc hạn chế nhập khẩu bằng tuổi thọ của thiết bị là không thực tiễn, và cũng lưu ý rằng việc này có thể dẫn đến tình trạng sụt giảm đầu tư mới cũng như đầu tư mở rộng vào Việt Nam.
Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng có tuổi đời trên 10 năm có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, thay thế Thông tư 20/2014/TT-BKHCN. Tuy nhiên, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã phản ứng mạnh mẽ vì cho rằng quy định này chưa hợp lý. Một số doanh nghiệp cho rằng có những máy móc thiết bị có tuổi đời trên 20 năm, được sản xuất từ nước tiên tiến như Nhật, châu Âu vẫn vận hành hiệu quả về tiết giảm chi phí (vật liệu, năng lượng), ổn định về chất lượng sản phẩm và thời gian sản xuất.
Thực ra, Thông tư 23 cũng có “đường mở” cho doanh nghiệp là trong trường hợp đặc biệt, thiết bị đã qua sử dụng trên 10 năm nhưng cần thiết phải nhập khẩu để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thì căn cứ vào hồ sơ và kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành xem xét, quyết định. Đối với thiết bị đã qua sử dụng thuộc các dự án đầu tư, nếu trong hồ sơ dự án có danh mục thiết bị đã qua sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì không phải áp dụng quy định nói trên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng đây là một dạng cơ chế xin - cho, rất dễ phát sinh tiêu cực.
Ngoài ra, Thông tư 23 cũng quy định doanh nghiệp phải có bản chính giấy xác nhận của nhà sản xuất về năm sản xuất và tiêu chuẩn sản xuất của thiết bị hay bản chính chứng thư giám định của một tổ chức giám định... Đây cũng là một sự lãng phí về thời gian và tiền bạc cũng như gây khó cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp quốc tế hội tụ tại MTA Vietnam 2017Ngày 4-7, Triển lãm quốc tế về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại tại Việt Nam (MTA Vietnam 2017) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM. Với tổng diện tích trưng bày lên đến 12.000 mét vuông, sự kiện được đánh giá là phiên bản lớn nhất trong toàn bộ chuỗi triển lãm MTA VIETNAM từ trước đến nay. Triển lãm thu hút sự tham gia của 425 doanh nghiệp đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, và 77% trong số này là các thương hiệu nước ngoài, như: Amada, Bystronic, Blum, DMG Mori, Han's Laser, Hurco, Makino, Marposs, Mazak, Nikon, Renishaw, Sandvik, Sodick, TRUMPF, YG-1, ... Ngoài ra, triển lãm còn là nơi hội tụ lý tưởng của các nhà sản xuất và đơn vị cung ứng hàng đầu tại thị trường nội địa như: Creatz3D, Cybertech, Daviteq, OLAS, DKSH, Growell, T.A.T Machinery, Tinh Hà, Vạn Sự Lợi, VPIC và Weldtec. Triển lãm còn có các nhóm gian hàng quốc tế đến từ Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan. Bên cạnh đó, triển lãm còn tổ chức nhiều chương trình diễn đàn và buổi huấn luyện kỹ năng, tạo điều kiện cho các chuyên gia trong và ngoài nước cùng tham gia, thảo luận và chia sẻ về những xu hướng công nghệ nổi bật. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/