Giáo dục trực tuyến: 'Miếng bánh' hấp dẫn nhà đầu tư Singapore
Khoản đầu tư 50 triệu USD của Tập đoàn Northstar Singapore vào Topica Edtech Group được đánh giá là khoản rót vốn lớn nhất cho một công ty giáo dục trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á.
Ưu tiên các nhà đầu tư Singapore
Được đánh giá là dẫn đầu châu Á về khả năng chuẩn bị tốt nhất cho tương lai người học và đứng thứ nhất thế giới về chính sách giáo dục theo đánh giá của Tập đoàn Tư vấn Economist (Anh), giáo dục Singapore trở thành đích ngắm hợp tác của nhiều nhà đầu tư Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trương Tường Lân, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề Du lịch Hà Nội cho biết, Trường đã ký thỏa thuận hợp tác với 3 đối tác của Singapore để đào tạo khoảng 500 học viên cho 8 mã ngành, gồm 5 mã ngành thuộc nghiệp vụ khách sạn và 3 mã ngành liên quan đến nghiệp vụ lữ hành.
Một thỏa thuận khác của Trường trung cấp Nghề Du lịch Hà Nội với Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch Singapore cũng đang được thúc đẩy, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực Việt Nam thông qua các đối tác Singapore.
Ông Lân kỳ vọng, với những ưu việt từ nền giáo dục Singapore, trong đó đi đầu là cơ sở vật chất hiện đại, chương trình đào tạo tiên tiến và khả năng đào tạo chất lượng quốc tế, sự hợp tác này không những mang lại lợi ích cho cả hai bên, mà trên hết, người học sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi có cơ hội làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới sau khi tốt nghiệp.
Trong khi đó, cuối tháng 5/2019, ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ đã dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Việt Nam và một số đối tác khác tới Singapore tổ chức một hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư Singapore vào các dự án ưu tiên của Thành phố.
Trong đó, phát triển nguồn nhân lực được xem là một trong 6 lĩnh vực ưu tiên mà Cần Thơ kêu gọi các nhà đầu tư Singapore.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2001 và hiện là nhà đầu tư lớn nhất trong các nhà đầu tư Singapore ở lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, với 15 trường trải rộng ở 8 tỉnh, thành phố, cùng tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, Tập đoàn KinderWorld vẫn nhận thấy nhiều cơ hội đầu tư ở lĩnh vực này.
KinderWorld có kế hoạch triển khai mô hình Trường đại học Quốc tế Pegasus tại Cần Thơ trên diện tích 3 ha, với tổng mức đầu tư 30 - 50 triệu USD. Dự án đã nhận được sự ủng hộ từ chính quyền TP. Cần Thơ và đang đợi phê duyệt từ Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, các nhà đầu tư Singapore cũng đang nhìn thấy cơ hội hợp tác, đầu tư giáo dục tại các địa phương khác.
Giữa năm 2018, Tập đoàn SkillsSG Venture - Singapore (SSGV) đã làm việc tại Thanh Hóa và bày tỏ nguyện vọng có thể hợp tác đặt Viện Đào tạo kỹ năng tại Trường đại học Hồng Đức nhằm phát triển và xây dựng một khung chương trình đào tạo phát triển kỹ năng tại địa phương này.
Nhìn thấy cơ hội mới
Nếu như những năm trước, các nhà đầu tư giáo dục Singapore mới nhìn thấy cơ hội ở tầm hợp tác mở cơ sở đào tạo tại Việt Nam, hay đầu tư vào các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục Việt Nam, thì gần đây, thị trường chứng kiến sự nhập cuộc của các quỹ ngoại vào ngành giáo dục.
Năm 2018 đánh dấu nhiều thương vụ gọi vốn khủng trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, trong đó phải kể tới thương vụ rót vốn của Tập đoàn Northstar Singapore vào Topica Edtech Group, với khoản đầu tư lên tới 50 triệu USD vào cuối tháng 11/2018. Đây là khoản rót vốn lớn nhất cho một công ty giáo dục trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, tháng 4/2018, nền tảng đánh giá giáo dục và đặt chỗ khoá học trực tuyến Edu2Review đã nhận được khoản rót vốn từ Quỹ Nest Tech (Singapore).
Dù số tiền đầu tư không được tiết lộ, nhưng tại thời điểm đó, Austin Carter, nhà đồng sáng lập, kiêm Giám đốc Tài chính của start-up này cho biết, khoản đầu tư đã nâng định giá Edu2Review lên con số vài triệu USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Hai khoản đầu tư trên phần nào cho thấy, giáo dục trực tuyến và các nền tảng công nghệ phục vụ giáo dục đang là “miếng bánh” hấp dẫn cho các nhà đầu tư Singapore, bởi khả năng chiếm lĩnh cấp số nhân người tham gia và khả năng vươn tầm ra ngoài thị trường giáo dục Việt Nam.
Đơn cử, tại thời điểm đầu tư, Topica đã sở hữu 2.000 khóa học ngắn hạn và là nền tảng cho 12 trường đại học khu vực Đông Nam Á cung cấp chương trình giảng dạy và cấp bằng trực tuyến.
Edu2Review hướng đến mục tiêu kết nối hàng triệu người học với các đơn vị đào tạo, mang đến một chuẩn mực mới trong việc đo lường chất lượng đào tạo qua việc sử dụng sức mạnh cộng đồng để đánh giá chất lượng dạy và học.
Gần đây nhất, đầu tháng 8/2019, quỹ đầu tư chuyên về mảng giáo dục có trụ sở tại Singapore và Ấn Độ - Kaizen Private Equity (Kaizen PE) công bố rót 10 triệu USD vào Yola, start-up cung cấp dịch vụ giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam.
Dù không phải là công ty công nghệ giáo dục, mà đơn thuần là hệ thống đào tạo tiếng Anh, nhưng nền tảng nội dung trực tuyến lại là điểm mạnh của Yola trong mắt nhà đầu tư.
Quỹ Kaizen PE là nhà đầu tư tài chính duy nhất đầu tư độc quyền vào các tổ chức giáo dục, các công ty ở Việt Nam và Đông Nam Á. Danh mục đầu tư của quỹ này gồm các công ty công nghệ giáo dục như Toppr, Varthana, Trường KLAY và WizIQ. Công ty quản lý hai quỹ đầu tư với tài sản hơn 150 triệu USD.
Cuối tháng 3/2019, Trung tâm Hợp tác Việt Nam - Singapore đã khai trương tại Hà Nội, tiền thân là Trung tâm Đào tạo Việt Nam - Singapore được thành lập năm 2002 tại Việt Nam.
Với việc nâng cấp này, Trung tâm hướng đến mục tiêu thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam theo diện rộng hơn, như dự án quy hoạch đô thị, dịch vụ giáo dục, dự án và dịch vụ tư vấn, tình nguyện, hỗ trợ nhân đạo.
Việc nâng cấp này cũng tạo điều kiện cho Trung tâm mở rộng mạng lưới đối tác hỗ trợ phát triển tổng hợp với nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước và tư nhân danh tiếng từ Singapore như Cục Phát triển Doanh nghiệp Quốc tế Singapore, Quỹ Quốc tế Singapore, Hội Chữ thập đỏ Singapore, Quỹ Temasek...
Đến nay, hơn 10.000 cán bộ Việt Nam đã được đào tạo từ Trung tâm trong hàng loạt lĩnh vực gồm ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, phát triển kinh tế, thương mại và du lịch, quản trị công, quản trị và luật pháp và công nghệ thông tin.
Giáo dục tiếp tục hấp dẫn đầu tư tư nhân tại Việt Nam
Khảo sát “Triển vọng đầu tư tư nhân Việt Nam năm 2019” công bố mới đây của Grant Thornton Vietnam Ltd cho thấy, giáo dục được đánh giá là lĩnh vực hấp dẫn đầu tư tư nhân thứ hai trong 12 tháng tới tại Việt Nam, bên cạnh công nghệ tài chính, năng lượng tái tạo, dược phẩm, thương mại điện tử, vận tải và giao nhận.
Những lý do khiến đầu tư giáo dục là nhóm ngành hấp dẫn là tầng lớp trung lưu đang gia tăng kéo theo nhu cầu đầu tư cho giáo dục; 60% cơ cấu dân số của Việt Nam là trẻ; chi tiêu cho giáo dục chiếm 5,7% GDP (thứ 29/126 quốc gia chi tiêu nhiều cho giáo dục) và tốc độ giáo dục trực tuyến đạt 44,3%, top 10 châu Á.
Dựa trên những yếu tố này, rất có thể trong thời gian tới, giáo dục sẽ còn chứng kiến sự tham gia nhiều hơn nữa của các nhà đầu tư Singapore vào thị trường Việt Nam.