|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giao dịch T+0, bán khống vướng công nghệ, dự kiến vận hành năm 2021

07:12 | 22/10/2020
Chia sẻ
Theo đại diện VSD, pháp lí cơ chế bán chứng khoán trong ngày, chứng khoán chờ về, không phải bây giờ mới có nhưng phải dựa trên nền tảng công nghệ hiện nay. Hiện đang đầu tư gói thầu công nghệ toàn thị trường, dự kiến vận hành vào năm 2021

Giao dịch T+0, bán khống vướng công nghệ

Cuối tháng 8, Bộ Tài chính ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quĩ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng kí giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.

Dự thảo Thông tư đưa ra các qui định về có giao dịch bán khống có đảm bảo, giao dịch T+0. Sau thông tin này, giới đầu tư kì vọng sản phẩm mới này sớm đi vào vận hành để có sự lựa chọn đa dạng trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Hôm qua (21/10), tại tọa đàm “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu COVID-19”, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã có những chia sẻ mới nhất về sản phẩm giao dịch T+0, bán khống.

Theo chia sẻ từ đại diện VSD, năm 2018 đơn vị này đã triển khai CCP (là một cơ chế hoạt động của trung tâm thanh toán bù trừ, trong đó CCP đóng vai trò là một chủ thể đứng giữa các bên giao dịch) cho thị trường phái sinh. Trong đó, VSD đóng vai trò gánh chịu các rủi ro trên thị trường. Đây là chuẩn mực thanh toán tốt nhất thế giới hiện nay.

Đó là những gì đã triển khai đổi với thị trường phái sinh. Còn với thị trường cơ sở, các nghiệp vụ chưa triển khai được hoặc vướng mắc khi quốc tế xem xét nâng hạng cho Việt Nam đó là kí quĩ 100% khi đặt lệnh mua, bán.

Tuy nhiên, CCP cho phép tháo gỡ vấn đề trên khi được triển khai, nhà đầu tư chỉ cần kí quĩ 10 - 20% giá trị đặt mua trên thị trường, ông Sơn cho biết.

Nói về hoạt động bán khống, Chủ tịch VSD cho hay: "Về pháp lí cơ chế bán chứng khoán trong ngày, chứng khoán chờ về, không phải bây giờ mới có nhưng phải dựa trên nền tảng công nghệ hiện nay. Hiện đang đầu tư gói thầu công nghệ toàn thị trường, dự kiến vận hành vào năm 2021.

Trên nền tảng pháp lí là các văn bản, nghị định, qui trình cùng hệ thống công nghệ có thể triển khai được. Chúng tôi đang cố gắng nhà thầu để test (kiểm thử - PV) với các thành viên viên thị trường, còn thời điểm chính xác thì chưa thể nói được".

Nói thêm, việc bán khống và các nội dung khác, thì luật thế hệ trước không cấm nhưng chưa sẵn sàng cho việc đó nên chưa có văn hướng dẫn. Khi có hệ thống công nghệ mới thì có thể dần dần triển khai vào năm tiếp theo, ông Nguyễn Sơn chia sẻ.

"Phải hình dung là cần có cơ chế pháp lí và công nghệ, đặc biệt là ý thức tuân thủ của nhà đầu tư quyết định sự thành bại và ổn định của thị trường. Cần có sự đồng bộ pháp lí, công nghệ, năng lực quản lí giám sát với tất cả thành viên tham gia vào thị trường. Có thể vào 2021 thì sẽ có những sản phẩm đó", Chủ tịch VSD trả lời.

Đáp ứng toàn bộ tiêu chí không có nghĩa là được nâng hạng ngay

Liên quan đến những tiêu chí đánh giá các tổ chức xếp hạng thị trường, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đưa ra những chia sẻ thêm tại sự kiện.

"Về câu chuyện nâng hạng thị trường, FTSE Russell và MSCI cũng không thể quyết định mà nó phụ thuộc vào cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả khi chúng ta hoàn thiện chính sách để đáp ứng toàn bộ 9/9 tiêu chí cũng không có nghĩa là chúng ta được nâng hạng ngay", bà Bình trả lời.

Theo đại diện UBCKNN, nhà đầu tư nước ngoài cần thời gian để hấp thụ chính sách. Để thay đổi cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường Việt Nam cần phải có thời gian. 

"Không phải mọi thông tin tổ chức mà FTSE Russell và MSCI có từ thị trường Việt Nam đều chính xác. Đôi khi những thông tin họ nhận được có độ trễ khiến nhận định của họ chưa được cập nhật".

"Về cảm nhận về mặt cá nhân, những trở ngại lớn nhất trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam đã được những chính sách trong thời gian tới của chúng ta giải quyết", bà Bình nói.

Linh Giang