Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Theo những mục tiêu được đưa ra tại Quyết định 242, chúng ta đã làm được nhiều việc:
Về ban hành cơ chế chính sách, Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua năm 2019 và có hiệu lực ngày 1/1/2021. Tiếp theo, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 đang xây dựng các văn bản hướng dẫn, cũng như Đề án chứng khoán hóa các khoản nợ, Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Về các mục tiêu cụ thể, xét theo qui mô TTCK, tính đến tháng 7/2020, thị trường có 1.647 mã cổ phiếu, chứng chỉ quĩ (CCQ) niêm yết/đăng kí giao dịch. Qui mô vốn hóa của thị trường đạt gần 3,8 triệu tỉ đồng, giảm 13,6% so với cuối năm 2019, tương đương 62,7% GDP.
Thị trường trái phiếu có 493 mã trái phiếu niêm yết (trong đó có 470 mã trái phiếu Chính phủ và 23 mã trái phiếu doanh nghiệp) với giá trị niêm yết đạt 1,2 triệu tỉ đồng, tăng 1,1% so với cuối năm 2019 (tương đương 19,9% GDP).
Về thanh khoản của thị trường, trên thị trường cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân 7 tháng đầu năm đạt trên 5.605 tỉ đồng, tăng 20,3% so với bình quân năm 2019.
Trên thị trường phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân đạt 170.000 hợp đồng/phiên, tăng 92% so với cuối năm 2019. Tính đến cuối tháng 7, khối lượng mở OI toàn thị trường đạt 38.000 hợp đồng, tăng 127% so với cuối năm 2019.
Về sản phẩm của thị trường, năm 2019, các sản phẩm mới đã được vào giao dịch để tạo ra sự đa dạng cho thị trường như chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant) bắt đầu được giao dịch vào ngày 28/6/2019 và sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ cũng được khai trương vào ngày 4/7/2019. Các sản phẩm này đã nhận được khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Hoạt động tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK) vẫn được tiếp tục triển khai.
Tính đến nay, có 74 CTCK là đang thành viên của các Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), 45 công ty quản lí quĩ đang hoạt động bình thường. Trong 7 tháng đầu năm 2020, hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán về cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định và có tăng trưởng nhẹ.
Hoạt động phát triển nhà đầu tư, đến cuối tháng 6, số lượng tài khoản NĐT trong nước đạt trên 2,5 triệu tài khoản, tăng 7,1% so với cuối năm 2019.
Về hệ thống quĩ đầu tư chứng khoán, tính đến hết tháng 6/2020, tổng số quĩ đầu tư đã được cấp phép tại Việt Nam là 51 quĩ. Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các quĩ đầu tư tại thời điểm cuối tháng 5/2020 đạt khoảng 33.600 nghìn tỉ đồng, tăng 3% so với thời điểm cuối năm 2019, và tăng 17% so với thời điểm tổng NAV xuống thấp vào cuối tháng 3/2020. Đây là kết quả đáng ghi nhận của ngành quản lí quĩ trong bối cảnh thị trường còn khó khăn hiện nay.
Đối với công tác cơ cấu lại tổ chức TTCK, thực hiện Quyết định số 32 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam theo đúng kế hoạch đã xây dựng, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định thành lập Sở GDCK Việt Nam vào đầu năm 2021.
Bên cạnh đó là việc hoàn thành và đưa hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) mới vào hoạt động vào đầu năm 2021, với mục tiêu đưa hệ thống CNTT thống nhất cho toàn thị trường kết nối trực tiếp từ khâu đăng kí, lưu kí, giao dịch cho đến bù trừ thanh toán, thực hiện quyền và các sản phẩm gia tăng cho thị trường vào hoạt động.
Hệ thống CNTT mới đi vào hoạt động với các tính năng nghiệp vụ mới, đa dạng, hướng đến chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cùng với nền tảng cơ sở hạ tầng hệ thống hiện đại, đồng bộ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các sản phẩm dịch vụ mới sắp đi vào hoạt động của TTCK.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tôi đánh giá việc thực hiện Quyết định 242 vẫn còn các điểm còn hạn chế. Một số mục tiêu như tỉ lệ vốn hóa trên GDP đạt 100% vào năm 2020, số lượng nhà đầu tư đạt 3% dân số; tăng chỉ tiêu an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán lên 20% đến thời điểm hiện tại chưa đạt được.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, một số mục tiêu của đề án không đạt được trong năm 2020 và các hạn chế nêu trên là có thể chỉ ra một số các nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế của các quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch làm cho hoạt động của các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt đối với ngành hàng không, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu hàng hóa,... trong năm 2020.
Thứ hai, qui mô của nền kinh tế nói chung, TTCK Việt Nam nói riêng còn nhỏ; kết quả hoạt động của các quĩ đầu tư chưa hiệu quả nên không thu hút được nhà đầu tư tham gia vào quĩ.
Thứ ba, năng lực huy động quĩ và quản lí điều hành quĩ của các công ty quản lí quĩ trong nước chưa cao.
Thứ tư, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lí nhà nước trong công tác quản lí vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài còn chồng chéo, chưa đồng bộ.
Thứ năm, thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng chưa phát triển so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Qua đánh giá giai đoạn một của Đề án, tôi cho rằng tiềm năng của TTCK còn rất lớn, chúng ta vẫn đang thực hiện nhiều giải pháp tổng thể, hiệu quả để phát triển TTCK, thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong bối cảnh dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp và có tác động không nhỏ tới thị trường, cùng với xu hướng giảm lãi suất ngân hàng mạnh mẽ, nhà đầu tư đã có sự dịch chuyển một phần dòng tiền từ tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán, là động lực góp phần không nhỏ vào sự hồi phục của TTCK Việt Nam trong thời gian qua.
Mặc dù vậy, số lượng nhà đầu tư trong nước chiếm tỉ lệ khá nhỏ so với tổng dân số Việt Nam (khoảng 2,6%). Vì vậy, với vai trò là cơ quan quản lí, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút người dân - những nhà đầu tư tiềm năng tham gia nhiều hơn nữa vào TTCK, trong đó phải kể đến các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức và thông tin tuyên truyền cho công chúng đầu tư nhằm nâng cao nhận thức xã hội về chứng khoán và TTCK; hoàn chỉnh qui định pháp lí cho phép các công ty chứng khoán mở tài khoản trực tuyến (e-contract) và xác thực khách hàng trực tuyến (eKYC); hoàn thiện qui định về thuế nhằm phát triển ngành quản lí quĩ, đặc biệt khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư thông qua việc đầu tư vào quĩ, tham gia góp vốn thành lập quĩ đầu tư bất động sản.
Hai là, đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường, trong đó thúc đẩy kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho TTCK phái sinh; triển khai các sản phẩm trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Đồng thời nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa thông qua việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động trên TTCK; thực hiện phân bảng cổ phiếu niêm yết, nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu trong từng bảng; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; tăng cường đào tạo, tuyên truyền về quản trị công ty, chương trình đánh giá xếp loại quản trị công ty.
Ba là, triển khai các giải pháp nâng cao tính thanh khoản cho TTCK như triển khai các loại lệnh mới trên thị trường cổ phiếu; triển khai hoạt động giao dịch trong ngày phù hợp với điều kiện của thị trường; áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động trong trường hợp thị trường có biến động mạnh; linh hoạt trong việc áp dụng kí quĩ trước giao dịch (pre-paid) tăng thời gian giao dịch áp dụng cho một số giao dịch đặc biệt.
Song song với đó là từng bước phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ để thực hiện chức năng tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp theo thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong 20 năm thành lập và phát triển của TTCK, số liệu cho thấy mức độ tham gia của khối ngoại tương đối lớn và ổn định, thể hiện qua dòng tiền và giá trị nắm giữ của khối ngoại trên TTCK Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cùng cán bộ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE trong chuyến công tác tại Anh. Ảnh: BTC
Trong giai đoạn 2011 đến nay, số lượng nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) được cấp mã số giao dịch chứng khoán tăng trung bình 10% mỗi năm.
NĐTNN có xu hướng mua ròng trên TTCK, giá trị mua ròng tăng mạnh nhất trong 3 năm gần đây (2017, 2018, 2019). Bên cạnh đó, giá trị danh mục của NĐTNN tăng từ 17,3 tỉ USD cuối năm 2016 lên 35 tỉ USD cuối tháng 6/2020, tức gấp hơn hai lần. Những số liệu này cho thấy NĐTNN ngày càng quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam do mức độ tăng trưởng tốt của nền kinh tế và TTCK.
Tuy nhiên, số tài khoản của NĐTNN vẫn là một con số khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của TTCK. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài sau:
Thứ nhất là hoàn thiện chính sách thu hút vốn nước ngoài trên TTCK như xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán về tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng theo hướng phù hợp với nội dung mới tại Luật Đầu tư 2019.
Thứ hai là tiếp tục tái cơ cấu cơ sở hàng hóa, tăng cung và cải thiện chất lượng nguồn cung trên TTCK. Cụ thể là tăng qui mô và chất lượng hàng hóa trên TTCK thông qua việc nâng cao điều kiện niêm yết, tiêu chí của công ty đại chúng; tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết và đăng kí giao dịch trên TTCK, nâng cao tính minh bạch công khai của các doanh nghiệp niêm yết và đăng kí giao dịch.
Thứ ba là tái cơ cấu hệ thống các tổ chức trung gian trên TTCK: thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị hoạt động, quản trị rủi ro; năng lực tài chính và chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức trung gian trên TTCK.
Cuối cùng là thúc đẩy doanh nghiệp thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), đồng thời tuân thủ kỉ luật về công bố thông tin, hướng tới lộ trình yêu cầu một số công ty niêm yết qui mô lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Về chất lượng của các công ty niêm yết, Bộ Tài chính luôn chỉ đạo UBCKNN chú trọng hoàn thiện các chính sách pháp luật, cũng như tăng cường thanh tra, giám sát, xử lí vi phạm; từ đó giúp TTCK phát triển bền vững, minh bạch, từng bước trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Việc ban hành Luật Chứng khoán với các qui định mới như nâng cao điều kiện công ty đại chúng, điều kiện chào bán chứng khoán là cơ sở để đảm bảo chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang được xây dựng cũng sẽ qui định chặt chẽ hơn điều kiện về niêm yết chứng khoán, yêu cầu các doanh nghiệp có các hoạt động làm thay đổi trọng yếu bản chất doanh nghiệp (tái cơ cấu) đều phải xét lại điều kiện niêm yết; qui định về việc phân bảng niêm yết không chỉ theo tiêu chí vốn mà còn theo các tiêu chí như tuân thủ qui định pháp luật, tiêu chí về thanh khoản, quản trị công ty; đồng thời sửa đổi, bổ sung các qui định về công khai thông tin, quản trị công ty; xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK... Điều này sẽ là cú hích để thay đổi chất lượng trên TTCK.
Về hệ thống của một số công ty chứng khoán, do thanh khoản TTCK trong thời gian qua tăng đột biến. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư đã sử dụng các phương tiện kĩ thuật để đặt lệnh, tạo thêm áp lực cho hệ thống giao dịch hiện tại.
Do vậy, hệ thống của một số công ty chứng khoán có một số hiện tượng lỗi. Nguyên nhân là do khối lượng và tần suất giao dịch tăng đột biến tại một thời điểm và thời gian ngắn dẫn đến quá tải của hệ thống giao dịch (đường truyền).
Hiện tượng này xảy ra vào thời gian Chính phủ thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, giao dịch điện tử tăng đột biến. Về phía các công ty đã kịp thời khắc phục sự cố và nâng cấp hệ thống giao dịch, đáp ứng các giao dịch có tần suất cao.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN chỉ đạo các SGDCK cùng các công ty chứng khoán nghiên cứu, đánh giá và phối hợp với các công ty chứng khoán rà soát tổng thể hệ thống, phân loại các rủi ro và có qui trình, giải pháp ứng phó. Trên cơ sở đó để tổ chức đào tạo, diễn tập xử lí sự cố, đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch chứng khoán.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của TTCK toàn cầu, trong đó có TTCK Việt Nam do tác động bởi dịch COVID-19, Bộ Tài chính kiên định với chính sách không can thiệp hành chính thị trường, chuẩn bị tốt trước mọi tình huống và thực hiện các giải pháp kịp thời.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ TTCK và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong thời gian qua Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí và giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán.
Cụ thể là giảm 50% 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, hiệu lực từ ngày 7/5/2020 đến hết ngày 31/12/2020; giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán, hiệu lực từ ngày 18/3/2020 đến hết ngày 30/6/2020.
Ngoài ra, Bộ Tài chính chỉ đạo UBCKNN đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường như cắt giảm các thủ tục hành chính (giảm thời gian xử lí hồ sơ mua cổ phiếu quĩ của doanh nghiệp từ 7 ngày xuống còn 1 ngày), tạo điều kiện cho doanh nghiệp mua cổ phiếu quĩ; hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) trực tuyến.
Cùng với đó là chỉ đạo hai Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) và Trung tâm Lưu kí Chứng khoán (TTLK) xây dựng các kịch bản điều hành TTCK trong mọi hoàn cảnh hoặc SGDCK và TTLK bị phong tỏa do tác động của dịch COVID-19. Qua đó đảm bảo thị trường được tổ chức giao dịch an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm. Ảnh: BTC/HNX
Trong thời gian tới, định hướng các giải pháp điều hành TTCK tập trung vào các mục tiêu chính là ổn định tâm lí của nhà đầu tư, theo dõi sát các biến động của TTCK để có những giải pháp, chính sách kịp thời và phù hợp. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm ổn định và phát triển TTCK, bao gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lí quĩ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ ba, phối hợp với các bộ ngành, địa phương thúc đẩy triển khai kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện kiểm tra, xử lí kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ qui định về niêm yết/đăng kí giao dịch sau khi cổ phần hóa.
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động giám sát, phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm trên thị trường.
Thứ năm, triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam.
Thứ sáu, nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ điện tử vào hoạt động chứng khoán; đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Cuối cùng, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức và thông tin, tuyên truyền Luật Chứng khoán sửa đổi nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực pháp luật trong thực tiễn khi luật chính thức có hiệu lực thi hành.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Tại Quyết định 242/QĐ-TTg, chúng ta đặt ra mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025.
Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục thu hút vốn gián tiếp nước ngoài trên TTCK Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nguồn vốn đầu tư, tăng cường khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, việc nâng hạng góp phần nâng cao định mức tín nhiệm của Việt Nam, tiết giảm chi phí huy động vốn của Chính phủ và các doanh nghiệp trong nước trên thị trường vốn quốc tế.
Một trong những giải pháp tích cực và hiệu quả để tăng cường nguồn vốn gián tiếp có chất lượng chính là việc nâng hạng TTCK Việt Nam. Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Đề án nâng hạng TTCK và dự kiến sẽ sớm lấy ý kiến các Bộ ngành trong thời gian tới.
Định hướng nâng hạng thị trường đã được nêu cụ thể tại Đề án. Theo đó, sẽ phấn đấu nâng hạng TTCK mới nổi trước năm 2025 tùy vào điều kiện cụ thể của nền kinh tế.
Quá trình nâng hạng phải đảm bảo an toàn của hệ thống tài chính quốc gia; không vì mục tiêu nâng hạng TTCK mà đánh đổi các mục tiêu khác đã đề ra. Việc nâng hạng TTCK phải gắn liền với các giải pháp, chính sách phù hợp để phòng ngừa rủi ro hệ thống có thể xảy ra sau khi nâng hạng.
Do vậy, việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm trên TTCK để quản lí rủi ro hệ thống, giảm thiểu rủi ro đảo chiều, đào thoát vốn gián tiếp. Từ đó sẽ đưa ra chính sách phù hợp để có phản ứng kịp thời cũng được xem là định hướng quan trọng.
Trong trường hợp chưa được nâng hạng, TTCK vẫn phải đảm bảo các mục tiêu căn cơ của nền kinh tế, đảm bảo khả năng tăng trưởng tốt thông qua việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lí, xây dựng chính sách thu hút NĐTNN, tái cấu trúc TTCK, phát triển cơ sở nhà đầu tư và các sản phẩm mới trên thị trường, tăng cường qui mô và chất lượng thị trường.