|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giãn cách xã hội thêm 16 tỉnh, thành phía Nam theo Chỉ thị 16

16:58 | 17/07/2021
Chia sẻ
Bên cạnh TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai đã bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 từ trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý giãn cách xã hội tại 16 tỉnh, thành phía Nam khác.
Giãn cách xã hội thêm 16 tỉnh, thành phía Nam theo Chỉ thị 16 - Ảnh 1.

Sẽ có tổng cộng 19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vì biến chủng delta lây lan nhanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị số 16 đối với các địa phương: Thành phố Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 từ trước, tổng cộng, Thủ tướng đồng ý giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phía Nam. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày.

Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0h00 ngày 19/7/2021.

Đối với tỉnh, thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày có văn bản này, căn cứ diễn biến dịch bệnh và kết quả phòng, chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi quyết định việc tiếp tục giãn cách như đã quyết định hoặc kéo dài thời gian giãn cách như các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên.

Giãn cách xã hội thêm 16 tỉnh, thành phía Nam theo Chỉ thị 16 - Ảnh 2.

Số ca nhiễm trong nước trong hai ngày gần đây đều trên 3.000, sáng nay 17/7 công bố thêm 2.105 ca nữa.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương phối hợp với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 16, chú ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế.

Các cơ quan và địa phương phải bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng.

Trong thời gian giãn cách xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị 16, đồng thời lưu ý kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong”, xác định rõ đầu mối và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và từng cấp chính quyền.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế).

Theo Báo Chính phủ, Bộ Công Thương đã có kế hoạch chuẩn bị cho tình huống áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố.

“Chúng ta chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ đời sống người dân. Song người dân cũng phải chuẩn bị tinh thần là sẽ có những xáo trộn nhất định”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Mỗi địa phương có đặc điểm tình hình khác nhau nên Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương để đưa ra khuyến cáo cụ thể với người dân.

Đơn cử như TP HCM đang dừng hoạt động khoảng 2/3 chợ truyền thống và đầu mối, 30% nhu cầu còn lại của người dân tập trung vào các siêu thị, trung tâm thương mại, do đó, phải tăng giờ bán lên hằng ngày và phải tính đến việc mở lại một số chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm quy định phòng, chống dịch để tăng đầu mối cung cấp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Mặt khác, một mô hình đang được áp dụng thành công, có hiệu quả là tổ chức bán hàng lưu động, không chỉ địa phương mà nhiều cơ quan cũng đã vào cuộc như hệ thống bưu điện, Viettel Post.

Đức Quyền