Giảm xuất thô hàng nông sản
Để nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần nâng cao chất lượng để khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới.
Mỗi năm, bình quân Việt Nam xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới đạt khoảng 30 tỷ USD/năm; trong đó, nhiều sản phẩm được biết đến rộng rãi tại các thị trường trên thế giới.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, tuy nhiều sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lí nhưng còn đến 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác. Thậm chí, có nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới dưới nhãn mác của nước khác. Ngành điều là một ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu không nhỏ cho Việt Nam .
Trong năm 2016, ngành điều xuất khẩu 347.000 tấn, với kim ngạch đạt hơn 2,8 tỷ USD. Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư kí kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, cả nước có khoảng 350 đơn vị xuất khẩu hạt điều và 1.000 đơn vị chế biến điều. Tuy nhiên, 90% sản lượng điều xuất khẩu hiện nay đều dưới dạng nguyên liệu thô; chỉ 10% là sản phẩm chế biến có giá trị cao.
Vì vậy, ông Giang cho rằng, để có thể khẳng định thương hiệu điều Việt Nam , trước hết người sản xuất phải nâng cao chất lượng hạt điều. Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến cũng phải nâng cao chất lượng để tăng giá trị cho sản phẩm. Khi được khách hàng công nhận những sản phẩm giá trị cao, thì mới có thể xây dựng thương hiệu vững chắc trên thị trường thế giới.
Cùng quan điểm với ông Đặng Hoàng Giang, bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng Thư kí Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cũng chia sẻ, sau một thời gian tìm hiểu cách làm của các quốc gia khác về xây dựng thương hiệu mới thấy nếu muốn người tiêu dùng nhớ đến sản phẩm của Việt Nam, chính người sản xuất phải đặt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.
Không những vậy, khi được khách hàng lựa chọn và nâng cao số lượng đặt hàng, cho dù mở rộng sản xuất, người sản xuất phải tuân thủ các quy trình sản xuất đúng như ban đầu để giữ lòng tin của khách hàng. Ngoài ra, không nên vì mở rộng diện tích sản xuất, phát triển số lượng mà từ bỏ hoặc làm giảm chất lượng sản phẩm. Như vậy, sản phẩm mới được lựa chọn dài lâu, từ đó chính khách hàng là người giúp chúng ta khẳng định thương hiệu sản phẩm của Việt Nam.
Song song với việc chú trọng chất lượng sản phẩm thì các doanh nghiệp và người sản xuất cũng cần thêm nhiều hỗ trợ về cơ chế chính sách từ phía Chính phủ để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay, thực tế nhiều năm qua hình ảnh sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp đã gắn với Việt Nam suốt thời gian dài. Ngành thực phẩm của của Việt Nam cũng chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực tài chính và nhân sự có hạn. Do vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực xuất khẩu và xây dựng một thương hiệu chung của nông sản Việt Nam .
Mặc dù, nhiều nông dân và hợp tác xã hiện đã chú trọng vào chất lượng sản phẩm và sự an toàn cho người tiêu dùng, nhưng suốt thời gian dài vừa qua, chất lượng nông sản Việt Nam vẫn chưa vươn ra được với thế giới. Điển hình như Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận (Đắc Nông) sản xuất hồ tiêu hữu cơ từ năm 2009, thời gian đầu các hộ sản xuất gặp nhiều khó khăn vì năng suất thấp, giá tiêu thụ không chênh lệch so với hồ tiêu sản xuất thông thường.
Ông Đặng Tấn Huynh, Chủ tịch, Hội đồng quản trị, Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận cho biết, để nông dân tiếp tục sản xuất sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của khách hàng quốc tế, Chính phủ cần có thêm chính sách hỗ trợ nông dân về xúc tiến thương mại để hồ tiêu hữu cơ, chất lượng được lựa chọn đúng với giá trị. Đồng thời, cũng cần có thêm giải pháp phân biệt, phát triển hồ tiêu hữu cơ, tránh hiện tượng cả 2 loại sản phẩm này cùng đồng giá bán ra.
Bên cạnh đó, muốn xây dựng thương hiệu trước tiên phải chú trọng nâng cao chất lượng. Chính phủ cũng cần hỗ trợ cho những doanh nghiệp thực sự muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng cách hỗ trợ vốn và chính sách để thực hiện. Tập huấn cho nông dân kiến thức về sản xuất sạch và tinh thần sản xuất vì nhu cầu người tiêu dùng, ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc điều hành Công Ty TNHH Tư vấn Xuất nhập khẩu và Xúc tiến thương mại Toàn Cầu chia sẻ.
Vừa qua, tại Hội nghị Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Việt Nam, cuối tháng 12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng quyết định dành gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp cùng với nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao các ngành trồng trọt và chăn nuôi nói chung, hướng đến sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, riêng đối với ngành xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xin ý kiến Chính phủ xây dựng logo thương hiệu gạo Việt Nam. Dự kiến, quý I/2017, sẽ hoàn tất các thủ tục xây dựng thương hiệu; đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đảm bảo gia tăng giá trị, vừa đảm bảo an toàn lương thực, vừa tăng thu nhập cho nông dân và những người sản xuất cũng như doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu.../