Giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước xuống mức sàn
Thoái vốn nhà nước các lĩnh vực chủ chốt thu về trên 11.000 tỷ đồng từ 2011 - 2015 | |
Sau bia Sài Gòn, bia Hà Nội bị đề nghị nộp ngân sách 1.847 tỷ đồng |
Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành CPH 64 doanh nghiệp, nhưng cả quý I chỉ có 2 đơn vị được phê duyệt phương án CPH. Theo ông, vì sao tiến trình đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục chậm?
Tôi cho rằng, có lẽ vướng mắc nằm ở chỗ tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa phù hợp. Cụ thể, đến năm 2020, Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ tại 103 doanh nghiệp, số còn lại trong tổng số 240 doanh nghiệp phải CPH, trong đó, Nhà nước giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại 4 doanh nghiệp; giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 27 doanh nghiệp; giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 106 doanh nghiệp còn lại.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Với quy định như vậy, khi lập phương án CPH, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn có thể giữ vốn nhà nước tại doanh nghiệp với tỷ lệ 99%; 65%; 49,9% mà không vi phạm. Kết quả là, Nhà nước vẫn gần như toàn quyền quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp nên không khuyến khích nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vì không ai muốn bỏ tiền đầu tư vào nơi mà họ không có “tiếng nói” trong việc quản trị điều hành...
Muốn đẩy mạnh CPH, theo tôi, trước hết phải ấn định Nhà nước giữ tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ tại 137 doanh nghiệp nằm trong danh sách CPH giai đoạn 2017-2020 ở mức sàn.
Giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức sàn theo hướng nào, thưa ông?
Với những doanh nghiệp mà Nhà nước cần giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên, trong phương án CPH phải bán tối đa 35% vốn cho nhà đầu tư. Đối với lĩnh vực mà Nhà nước thấy cần tiếp tục chi phối phải quy định cứng tỷ lệ nắm giữ ở mức 51-52% vốn điều lệ, thậm chí chỉ cần nắm giữ 50,1% vốn điều lệ. Vì với tỷ lệ này, Nhà nước vẫn có quyền chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Còn đối với 106 doanh nghiệp, theo tiêu chí hiện nay thì Nhà nước vẫn đầu tư nhưng nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ thì có thể thoái toàn bộ vốn, vì nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ chẳng để làm gì cả.
Bên cạnh đó, cần tập trung bán cổ phần nhà nước trên thị trường chứng khoán tại các công ty cổ phần đã niêm yết cũng theo mức sàn kể trên, trong đó bán toàn bộ cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Nếu bán vốn nhà nước theo phương án như ông đề xuất sẽ có một lượng hàng hóa khổng lồ đổ vào thị trường. Liệu thị trường có hấp thụ nổi không?
Cung hàng hóa tăng phải tìm cách tăng cầu đầu tư. Tăng cầu đầu tư, theo tôi, cần sớm nghiên cứu mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược tham gia trong nhiều lĩnh vực mà hiện nay đang giới hạn.
Hiện vẫn còn rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực quy định nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% cổ phần của doanh nghiệp nội địa. Chỉ được nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ, nên nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà tham gia vì quyền hạn của họ trong quản trị, điều hành, quản lý doanh nghiệp không khác gì cổ đông phổ thông.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược cả trong và ngoài nước tham gia mua cổ phần lần đầu khi doanh nghiệp nhà nước CPH phải có năng lực tài chính, không có lỗ lũy kế; tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp hậu cổ phần tối thiểu 3 năm; không được chuyển nhượng cổ phần trong thời hạn 3 năm; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp sau CPH trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp…
Trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược rất lớn, nhưng họ chỉ được mua cổ phần tại các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn điều lệ sau khi CPH. Do không được nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối nên quyền hạn trong quản trị, điều hành, quản lý doanh nghiệp bị hạn chế cũng là lý do khiến nhà đầu tư chiến lược không mặn mà. Nhằm khuyến khích nhà đầu tư chiến lược trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung được danh mục doanh nghiệp Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ, theo tôi, trước mắt, cần bổ sung quy định một số quyền hạn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư chiến lược tham gia điều hành, quản trị doanh nghiệp, không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ.
Thế còn về lâu dài thì sao, thưa ông?
Tiếp tục rà soát Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp; Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn, Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành CPH vì việc phân loại doanh nghiệp nhà nước cần đầu tư vốn, tỷ lệ vốn đầu tư chỉ có tính thời điểm, phù hợp với từng giai đoạn nhất định. Giai đoạn 2011-2015, Nhà nước thấy cần phải đầu tư vào lĩnh vực nào đó ở mức độ chi phối có thể nắm giữ trên 65%, thậm chí trên 75% hoặc 100% vốn điều lệ, nhưng giai đoạn 2016-2021 không còn cần thiết nữa thì giảm tỷ lệ nắm giữ vốn, thậm chí thoái toàn bộ vốn cả đối với doanh nghiệp CPH lẫn công ty cổ phần còn vốn nhà nước.
Với tiêu chí phân loại mới, làm sao từ năm 2025 trở đi, Nhà nước chỉ nên giữ lại một số doanh nghiệp thuần túy cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích khó thu hút nhà đầu tư tham gia, các doanh nghiệp còn lại, không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, kể cả nhà xuất bản, công ty xổ số kiến thiết đều có thể CPH.