Giảm tình trạng đô la hóa là xu hướng tất yếu
Ảnh minh họa
Trước đó, hoạt động cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước cũng đã chấm dứt từ 1/4/2019.
Những thay đổi trên tác động thế nào đối với hoạt động của ngân hàng, DN và vì sao NHNN quyết liệt triển khai quy định trên? Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn các chuyên gia, ngân hàng trong nước cũng như ngân hàng ngoại để tìm ra câu trả lời thỏa đáng.
Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam: Đảm bảo an ninh tiền tệ cho nền kinh tế Việt Nam
Những thay đổi này sẽ hạn chế việc vay ngoại tệ của các DN nhập khẩu để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, buộc các DN phải chuyển qua vay VND để mua ngoại tệ thanh toán tiền hàng nhập khẩu. Hiện lãi suất vay vốn VND cao hơn lãi suất vay USD khoảng 3%-4%, trong khi tỷ giá năm nay dự kiến biến động khoảng 2%. Vì thế chi phí vay vốn bằng VND của DN có tăng nhưng sẽ không nhiều.
Theo quan sát của chúng tôi, sau hơn 9 tháng triển khai Thông tư số 42/2018/TT-NHNN, việc dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn không ảnh hưởng nhiều đến các DN. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn diễn ra ổn định. Có được điều này nhờ vào lộ trình áp dụng rõ ràng, giúp DN có thời gian điều chỉnh kế hoạch.
Với HSBC, chúng tôi tư vấn cho DN những thay đổi có thể xảy ra khi Thông tư được áp dụng hoàn toàn, đồng thời cung cấp những công cụ tài chính hợp lý và hiệu quả nhất mà khách hàng có thể sử dụng, như các sản phẩm phái sinh. Từ đó giúp họ dự báo và ứng phó với những thay đổi của thị trường một cách tốt nhất.
Việc NHNN siết chặt dần tín dụng ngoại tệ là để thực hiện chủ trương chống đôla hoá mà Chính phủ đã đề ra. Theo đó, Chiến lược phát triển ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Chính phủ, đặt mục tiêu cụ thể giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc VIB: Nỗ lực giảm đôla hóa trong nền kinh tế
Quy định thắt chặt cho vay ngoại tệ của NHNN nằm trong lộ trình dài hơi chống đôla hóa của NHNN. Từ năm 2012, NHNN đã có chủ trương siết chặt tín dụng ngoại tệ với một số nhu cầu, thay vì cởi mở hoàn toàn như trước. Rồi đến chính sách huy động USD với lãi suất 0%/năm.
Đặc biệt, giá trị đồng VND duy trì ổn định trong những năm qua, trong khi chênh lệch lãi suất VND với USD không còn lớn… khiến cho dư địa dùng đòn bẩy tài chính dựa trên biến động tiền tệ của DN không còn nhiều như trước kia…
Trước những thông điệp đó, DN cũng hiểu rằng chính sách của NHNN đối với tín dụng ngoại tệ sẽ theo chiều hướng thắt chặt lại, buộc DN phải chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, thay vì trông chờ vào vay ngoại tệ sẽ chuyển sang vay tiền đồng. Phạm vi đối tượng được vay ngoại tệ ngày càng thu hẹp lại đồng nghĩa với dư nợ ngoại tệ tại các ngân hàng giảm.
Tuy nhiên hiện dư nợ ngoại tệ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ của các ngân hàng, ví dụ tại VIB dư nợ ngoại tệ chỉ chiếm 3,3%, nên khi triển khai quy định tại Thông tư 42 không tác động diện rộng lên thị trường cũng như chỉ tác động rất ít đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Trong khi theo tôi, đây là định hướng tốt của NHNN đối với nền kinh tế, đặc biệt là các DN. Tôi lấy ví dụ, đối với DN nhập khẩu hàng tiêu dùng trong nước, họ vay ngoại tệ nhưng thường không có nguồn thu ngoại tệ nên buộc phải mua ngoại tệ để trả nợ.
Nếu tỷ giá tăng, DN đó có nguy cơ bị thu hẹp lợi nhuận do phải sử dụng nhiều tiền đồng hơn mua ngoại tệ thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Chưa kể cầu ngoại tệ thường tăng cao trong một số thời điểm các khoản vay đáo hạn.
Do vậy, việc hạn chế cho các DN nhập khẩu vay ngoại tệ thực chất giảm đi phần cung - cầu ngoại tệ ảo. Xét ở góc vĩ mô, điều này chắc chắn rất tốt đảm bảo sự phát triển bền vững và là một trong những nỗ lực lớn giảm đôla hóa trong nền kinh tế của NHNN.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng: Một quyết định đúng đắn
Theo tôi, tác động từ quy định mới tại Thông tư 42 đối với thị trường không nhiều. Thứ nhất hiện dư nợ ngoại tệ chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Hai nữa các DN khi vay bằng USD cũng được các ngân hàng thông báo từ trước về thời điểm không được vay ngoại tệ mà phải chuyển sang tiền đồng. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, vì NIM lãi suất cho vay bằng USD tốt hơn là cho vay tiền đồng.
Mặc dù vậy, tôi rất hoan nghênh NHNN đã siết chặt dần tín dụng ngoại tệ. Đây là quyết định rất đúng đắn và có tác động tích cực tới nền kinh tế, nhất là đối với tiến trình giảm đôla hóa trong nền kinh tế. Mặc dù hiện dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tăng hơn trước khá nhiều, nhưng thanh khoản ngoại tệ vẫn rất nhạy cảm.
Hơn thế, Việt Nam ở trong chế độ kiểm soát hối đoái, chỉ nên giao dịch một loại tiền tệ đó là VND. Đó là bước tiến quan trọng để giảm dần đôla hóa trong nền kinh tế.
Có thể nói, 5 năm qua, nhờ tính nhất quán, quyết liệt thực thi chính sách tiền tệ của NHNN đã giúp lòng tin của người dân vào đồng VND tiếp tục được duy trì. Đây là điều đáng mừng.
Tuy nhiên, để giảm đôla hóa trong nền kinh tế một cách bền vững, không chỉ mình ngân hàng làm được mà cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các bộ, ngành. Trong đó quan trọng nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Một nền kinh tế phát triển bền vững, đồng tiền có giá trị, khi đó các thành phần kinh tế không còn lo lắng quan tâm, mong muốn ngoại tệ khác ngoài VND.